Việc xử lý di sản thừa kế của một người (đã qua đời mà không có người thừa kế theo quy định của pháp luật) sẽ được tiến hành theo quy trình do luật định. Điều này nhằm đảm bảo cho phần tài sản đó có chủ sở hữu rõ ràng, tránh tình trạng tranh chấp hoặc bị bỏ hoang.
Tại bài viết dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải thích các quy định của pháp luật Việt Nam về việc xử lý di sản thừa kế trong trường hợp này.
1. Di sản thừa kế là gì?
Theo Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản bao gồm “tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Như vậy, có thể hiểu rằng di sản thừa kế là tài sản của cá nhân (tài sản riêng và một phần tài sản trong khối tài sản chung với người khác) để lại cho người khác sau khi người này chết.
2. Các trường hợp di sản thừa kế không có người thừa kế
Các trường hợp không có người thừa kế theo di chúc có thể bao gồm:
(1) Người được chỉ định thừa kế đã qua đời trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc;
(2) Cơ quan, tổ chức được chỉ định thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
(3) Người thừa kế theo di chúc bị tước quyền thừa kế, các trường hợp không được quyền hưởng di sản được quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
(4) Người thừa kế từ chối nhận di sản thừa kế do người chết để lại (quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015);
(5) Người để lại di sản không chỉ rõ ai là người thừa kế trong di chúc.
Trước khi xử lý phần tài sản không có người thừa kế, ta cần xác định rõ ý chí của người lập di chúc để làm sáng tỏ xem người này có muốn để lại tài sản cho người thừa kế thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản hay không. di sản thừa kế di sản thừa kế di sản thừa kế
Cụ thể, khoản 2 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.”
Như vậy, trong trường hợp người để lại di sản nhận thức rõ được hành vi của người có quyền thừa kế (các hành vi thuộc khoản 1 Điều này) nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc hợp pháp thì người thừa kế vẫn được hưởng di sản. Nói cách khác, phần tài sản mà người chết để lại vẫn có người thừa kế.
3. Xử lý di sản thừa kế không có người thừa kế
Điều 622 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc xử lý tài sản không có người thừa kế như sau:
“Điều 622. Tài sản không có người nhận thừa kế
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.”
Theo quy định này, nếu tài sản không có người nhận thừa kế thì sau khi đã thực hiện xong đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản (của người để lại di sản) thì số tài sản còn lại sẽ thuộc về Nhà nước.
4. Lời khuyên pháp lý
Khi di sản không có người thừa kế, việc xử lý cần tuân thủ đúng quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi chung của nhà nước và tránh phát sinh các tranh chấp hoặc rủi ro pháp lý không đáng có.
Nếu bạn phát hiện một di sản không có người thừa kế, không được tự ý chiếm giữ hoặc sử dụng tài sản. Hãy thông báo cho chính quyền địa phương để xử lý theo quy định pháp luật. Hành vi chiếm giữ di sản có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin căn bản nhất mà Quý bạn đọc cần nắm rõ về vấn đề xử lý di sản thừa kế khi không có người thừa kế. Trong trường hợp cần nhận tư vấn về thừa kế, vui lòng liên hệ Hãng luật MIBI để được giải đáp.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.
Tham khảo thêm các bài viết về chủ đề Thừa Kế TẠI ĐÂY và đừng quên theo dõi Hãng luật MIBI tại các nền tảng: Facebook, Youtube để cập nhật các thông tin pháp luật hữu ích.