Vừa qua, Hãng luật MIBI nhận được đề xuất tư vấn liên quan đến việc xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong trường hợp người mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Đây là vấn đề pháp lý quan trọng được hướng dẫn, áp dụng tại Án lệ số 54/2022/AL về xác định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Dưới đây, Hãng luật MIBI xin chia sẻ để bạn đọc tham khảo, ứng dụng.

1. Tình huống pháp lý

Anh Nguyễn Hoàng D ở Ninh Bình có câu hỏi gửi tới Luật sư:

Anh và chị Nguyễn Phương N kết hôn trên cơ sở tự nguyện, đăng ký kết hôn ngày 28/10/2018 tại Ủy ban nhân dân xã E, huyện K, tỉnh Ninh Bình. Sau một thời gian chung sống, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân chính là do tính tình không hợp và thường xuyên bất đồng quan điểm. Tôi và chị N có 01 con chung là cháu Nguyễn Hoàng P, hiện nay cháu được 20 tháng tuổi.

Khi cháu P được 03 tháng tuổi, chị N quyết định đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Một năm sau khi trở về Việt Nam, nhận thấy cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên tôi và chị N quyết định ly hôn. Khi ly hôn, cả tôi và chị N đều có nguyện vọng được nuôi con. Từ trước đến nay, tôi luôn cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng con trong điều kiện tốt nhất để con có thể phát triển toàn diện. Trong khi đó, chị N không hề quan tâm, chăm sóc và hỏi han về con.

Trong tình huống này, anh D muốn hỏi:

Nếu cả anh và chị N đều có nguyện vọng nuôi con, liệu Tòa án có giao quyền nuôi con cho anh hay không, khi con của họ mới 20 tháng tuổi và mẹ không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con trong suốt thời gian dài?

quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi (Nguồn ảnh: freepik)

2. Áp dụng Án lệ để giải quyết tình huống

Vụ việc trên xuất hiện nhiều tình tiết tương tự với Quyết định giám đốc thẩm số 01/2019/GĐT-DS ngày 27/02/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao về vụ án hôn nhân gia đình “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con” tại tỉnh Đắk Lắk. Quyết định này đã được các nhà lập pháp phát triển thành nguồn của pháp luật và xây dựng thành Án lệ số 54/2022/AL.

Từ các thông tin mà anh D cung cấp, Tòa án có thể giao quyền nuôi con cho anh. Mặc dù pháp luật ưu tiên giao quyền nuôi con cho mẹ đối với trẻ dưới 36 tháng tuổi nhưng xét thấy chị N không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con trong suốt một thời gian dài, Tòa án có thể căn cứ vào án lệ số 54/2022/AL để xem xét giao quyền nuôi con cho anh D nếu có cơ sở chứng minh anh đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng con.

Các lập luận trên MIBI đã phân tích dựa theo Án lệ số 54/2022/AL.

Cụ thể, phán quyết giải quyết theo hướng: Trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuôi, người mẹ bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt. Việc tách người con khỏi cha và giao cho mẹ nuôi dưỡng sẽ gây ra những xáo trộn không đáng có cho cuộc sống của người con, không có lợi cho người con. Chính vì vậy, Tòa án giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.

3. Giới thiệu ngắn gọn Án lệ số 54/2022/AL.

Nội dung Án lệ số 54/2022/AL:

“Quá trình giải quyết vụ án chị Phạm Thị Kiều K và anh Nguyễn Hữu P đều có nguyện vọng xin được nuôi cháu Nguyễn Đắc T, sinh ngày 30/11/2016. Khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Trong vụ án này, chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, chị Phạm Thị Kiều K tự ý về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại cháu T mới được 04 tháng tuổi cho anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng. Tại các Biên bản xác minh cùng ngày 23/01/2018 (bút lục số 19, 20, 24), Ban tự quản thôn và Chi hội phụ nữ thôn H, xã E, huyện K xác nhận: “Anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Nguyễn Đắc T rất tốt. Anh P có việc làm tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ N, thu nhập ổn định, hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi cháu T”.

Mặc dù, khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi…”, nhưng chị K đã không nuôi cháu T từ khi cháu được 04 tháng tuổi. Hiện tại, cháu T đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh P nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo trong điều kiện tốt nhất; nếu giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét một cách toàn diện, tiếp tục giao cháu T cho anh P trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng là không phù hợp, chưa xem xét đầy đủ đến quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của cháu T”.

Án lệ số 54/2022/AL chỉ ra rằng:

Khi quyết định quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, bên cạnh những vấn đề pháp lý, Tòa án cần phải xem xét toàn diện mọi yếu tố liên quan đến điều kiện thực tế của từng bên, nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho con. Trong trường hợp con đã quen và được nuôi dưỡng tốt trong môi trường ổn định, việc thay đổi người chăm sóc cần được cân nhắc thận trọng, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của con.

Trong trường hợp cần tư vấn cụ thể đối với các tranh chấp về quyền nuôi con, vui lòng liên hệ Hãng luật MIBI để được đồng hành, hỗ trợ.

Theo dõi Hãng luật MIBI trên Fanpage và Youtube để cập nhật các thông tin pháp luật hữu ích khác.

Bài viết bởi TTS Nguyễn Thị Hằng.