Người thừa kế đang ở nước ngoài vẫn có thể chia thừa kế tại Việt Nam
Phân chia di sản thừa kế là quá trình chia tài sản, quyền và nghĩa vụ mà một người để lại sau khi qua đời cho những người thừa kế theo ý nguyện được thể hiện trong di chúc hợp pháp hoặc theo quy định của pháp luật. Vậy, nếu người thừa kế đang ở nước ngoài mà không thể về Việt Nam thì họ phải làm thế nào để tham gia phân chia di sản thừa kế?
Sau đây, Hãng Luật MIBI xin cung cấp những thông tin pháp lý quan trọng giúp Quý bạn đọc hiểu rõ thủ tục phân chia di sản thừa kế cho người thừa kế đang ở nước ngoài trong trường hợp này.
1. Quyền thừa kế của người thừa kế đang ở nước ngoài
Theo quy định pháp luật Việt Nam, mọi cá nhân (không phân biệt nơi cư trú) đều được bảo đảm quyền bình đẳng trong thừa kế. Điều này đã được thể hiện rõ nét tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”
Từ quy định kể trên có thể thấy, người thừa kế đang ở nước ngoài đều có thể có quyền thừa kế và đồng thời cũng được bảo đảm bình đẳng trong thừa kế theo pháp luật Việt Nam. Người thừa kế đang ở nước ngoài có quyền thỏa thuận với các đồng thừa kế về cách phân chia di sản theo pháp luật dân sự.
2. Tham gia phân chia di sản thừa kế cho người thừa kế đang ở nước ngoài
Nếu người thừa kế đang ở nước ngoài và không thể trực tiếp tham gia phân chia di sản thừa kế thì người thừa kế này cần phải lập giấy ủy quyền để cử người đại diện tại Việt Nam thay mặt họ tham gia quá trình này.
Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định cụ thể về giấy ủy quyền mà chỉ quy định về việc ủy quyền thông qua hợp đồng. Vì vậy, việc lập giấy ủy quyền nên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự với hợp đồng ủy quyền như sau:
- Nội dung và hình thức của hợp đồng phải đảm bảo tính hợp pháp quy định pháp luật dân sự. Trong đó, ghi cụ thể về phạm vi ủy quyền.
- Lập giấy ủy quyền cần thực hiện tại Cơ quan ngoại giao Việt Nam (Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán) theo quy định của Điều 78 Luật Công chứng 2014:
“Điều 78. Việc công chứng của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài
- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.
- Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao được giao thực hiện công chứng phải có bằng cử nhân luật hoặc được bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng.
- Viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao thực hiện công chứng theo thủ tục quy định tại Chương V của Luật này, có quyền quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 và nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 2 Điều 17 của Luật này.”
3. Lời khuyên pháp lý
Tóm lại, trước khi thực hiện phân chia di sản, Quý bạn đọc cần tìm hiểu kỹ quy định pháp luật về thừa kế tại Việt Nam cũng như các vấn đề liên quan đến người thừa kế ở nước ngoài mà không thể về Việt Nam như hạn chế sở hữu bất động sản hoặc chuyển tài sản ra nước ngoài.
Ngoài ra, trong trường hợp xác lập hợp đồng ủy quyền, người ủy quyền cần thỏa thuận rõ ràng với người được ủy quyền về phạm vi và nội dung ủy quyền khi tham gia việc thực hiện phân chia di sản. Từ đó, giúp cho người thừa kế đang ở nước ngoài hạn chế được các rủi ro pháp lý và các hậu quả không đáng có.
Phân chia di sản thừa kế khi có người thừa kế đang ở nước ngoài là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết về pháp luật và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình này, hãy liên hệ với Hãng luật MIBI để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ chuyên nghiệp nhất!
Bài viết bởi TTS. Trương Thị Thu Hiền
Tham khảo thêm các bài viết về chủ đề Thừa Kế TẠI ĐÂY và đừng quên theo dõi Hãng luật MIBI tại các nền tảng: Facebook, Youtube để cập nhật các thông tin pháp luật hữu ích.