Người khởi kiện có chứng cứ là tin nhắn Zalo thường băn khoăn không biết xuất trình, giao nộp tin nhắn Zalo như thế nào để được Toà án chấp nhận. Hướng dẫn sử dụng tin nhắn Zalo làm chứng cứ tại Toà án sau đây sẽ giúp người khởi kiện biến tin nhắn Zalo thành chứng cứ không thể chối từ tại Toà án.
Xã hội hiện nay ngày càng phát triển theo hướng mở rộng việc kết nối các mối quan hệ trên không gian mạng. Do đó, giao dịch dân sự được giao kết thông qua tin nhắn, các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Messenger, Viber… là cũng trở thành một xu thế, bởi sự nhanh, gọn, thuận lợi cho cả đôi bên.
Tuy nhiên, bên cạnh những sự thuận lợi đó thì các giao dịch này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các bên xảy ra tranh chấp.
Trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý cho các khách hàng, Hãng luật MIBI thường xuyên nhận được câu hỏi dạng: “Luật sư ơi, tôi cho chị A vay tiền nhưng chỉ có tin nhắn Zalo thì có kiện đòi nợ được không?”
Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết bạn đọc cần xác định được hai vấn đề:
(1) Tin nhắn Zalo có được coi là chứng cứ trong tố tụng dân sự hay không?
(2) Quá trình thu thập, giao nộp chứng cứ là tin nhắn Zalo cần lưu ý như thế nào?
MIBI Law sẽ giải đáp hai vấn đề trên cho bạn đọc.
1. Tin nhắn Zalo được coi là chứng cứ trong tố tụng dân sự
Theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì nguồn chứng cứ có thể bao gồm: “Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử”. Như vậy, dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ.
Khoản 3 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.” Tin nhắn Zalo chính là một hình thức trao đổi dữ liệu điện tử.
Như vậy, tin nhắn Zalo cũng được coi là chứng cứ trong tố tụng dân sự.
2. Cần có phương án trích xuất tin nhắn Zalo phù hợp để đảm bảo đủ điều kiện giao nộp cho Tòa án
Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định rõ về nghĩa vụ chứng minh của đương sự (Điều 91). Cụ thể là khi có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, đương sự phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.
Vậy với tin nhắn Zalo, đương sự sẽ thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án như thế nào? Liệu rằng khi khởi kiện, bạn mang điện thoại di động theo, mở tin nhắn Zalo trong máy ra trình diện là Tòa án sẽ chấp nhận?
Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định cụ thể việc giao nộp chứng cứ dưới dạng dữ liệu điện tử. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm giải quyết của Hãng luật MIBI đối với các trường hợp tương tự, chúng tôi tư vấn quý bạn đọc cách thu thập và giao nộp chứng cứ là tin nhắn Zalo nói riêng và chứng cứ dưới dạng dữ liệu điện tử nói chung để Tòa án chấp nhận tài liệu, chứng cứ của quý bạn đọc, cụ thể như sau:
Bước 1: Tập hợp và sàng lọc các tin nhắn Zalo phục vụ cho mục đích chứng minh
Quý bạn đọc lưu ý, dù thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào thì chứng cứ bạn cung cấp, giao nộp cho Tòa phải có nội dung cụ thể nhằm chứng minh yêu cầu khởi kiện hoặc chứng minh quan điểm bảo vệ của bạn.
Chẳng hạn, khi Quý bạn đọc muốn kiện đòi tiền theo một hợp đồng vay qua tin nhắn Zalo, thì bạn phải cung cấp được toàn bộ các tin nhắn có nội dung như xác nhận việc bạn đã chuyển tiền cho đối phương và đối phương đã nhận được, hoặc các tin nhắn thể hiện việc bạn đã đòi tiền, đối phương có thể không xác nhận nhưng không có ý kiến phản đối,…
Do đó, quý bạn đọc phải tập hợp và sàng lọc hết tất cả các tin nhắn quan trọng để chuẩn bị thực hiện Bước thứ 2 dưới đây, nhằm củng cố tính hợp pháp, hợp lệ của chứng cứ.
Bước 2: Mời thừa phát lại lập vi bằng đối với các chứng cứ là các tin nhắn Zalo đã tập hợp và sàng lọc tại Bước 1
Vi bằng chính là văn bản ghi nhận lại sự kiện, hành vi do bên phía thừa phát viên – người có chức năng lập vi bằng, tiến hành lập lại. Khi lập vi bằng, thừa phát viên đã xem xét đến nguồn gốc, xuất xứ và tính toàn vẹn của dữ liệu. Do đó, khi đã lập vi bằng, đương sự không cần phải xuất trình trực tiếp dữ liệu điện tử (điện thoại, máy tính,…) và không cần chứng minh về nguồn gốc, xuất xứ và tính toàn vẹn của dữ liệu đó nữa.
Bước 3: Giao nộp vi bằng cho Tòa án
Việc giao nộp vi bằng cho Tòa án có thể thực hiện tại thời điểm nộp đơn khởi kiện hoặc cung cấp, giao nộp trong quá trình giải quyết vụ án, kể cả ngay tại chính phiên tòa xét xử vụ án.
Việc giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ. (Theo khoản 2 Điều 96 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
Hi vọng với hướng dẫn của Hãng luật MIBI, Quý bạn đọc đã nắm bắt được cần phải trích xuất và giao nộp tin nhắn Zalo như nào để được Tòa án chấp nhận tin nhắn Zalo là một chứng cứ trong vụ án.
Và từ các chia sẻ trên, có lẽ quý bạn đọc cũng đã có câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi cho chị A vay tiền nhưng chỉ có tin nhắn Zalo thì có kiện đòi nợ được không?”.
Nếu quý bạn đọc gặp phải tình huống tương tự hay cần sự hỗ trợ, tư vấn thêm, quý bạn đọc có thể liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành hỗ trợ các vấn đề pháp lý.
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI.
Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:
Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?
Bỏ lỡ đánh giá về thời hiệu khởi kiện – Bị đơn “thiệt đơn thiệt kép”