Thừa kế thế vị là việc con đẻ thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của ông nội, bà nội hoặc ông ngoại, bà ngoại đối với phần di sản mà cha, mẹ được hưởng nếu còn sống nhưng cha đã chết trước ông nội, bà nội hoặc mẹ đã chết trước ông ngoại, bà ngoại, đồng thời cũng là việc con đẻ thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của cụ đối với phần di sản mà cha, mẹ được hưởng nhưng cha, mẹ đã chết trước hoặc cùng một thời điểm với cụ.

Liên quan đến vấn đề này, Hãng luật MIBI nhận được câu hỏi của bạn đọc A như sau: Mẹ của A mất năm 2018, đến năm 2021, ông ngoại của A mất, trong trường hợp này A có được nhận di sản thừa kế của ông ngoại hay không?

Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp câu hỏi này cho Quý bạn đọc.

1. Quy định pháp luật về thừa kế thế vị

Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế nếu là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Tuy nhiên, pháp luật về thừa kế có quy định riêng đối với trường hợp con của người để lại di sản đã mất trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống. Trường hợp này được gọi là thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015.

Đây là một quy định phù hợp với văn hóa, đời sống của cộng đồng và đã được quy định, áp dụng trong nhiều giai đoạn lịch sử pháp luật Việt Nam, từ Pháp lệnh về Thừa kế năm 1990, Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 và hiện nay là Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Giải đáp câu hỏi

Trong tình huống nêu trên cần xác định xem ông ngoại của A trước khi chết có để lại di chúc hay không?

Trường hợp ông ngoại A có để lại di chúc thì di sản thừa kế được chia theo di chúc. Khi đó A sẽ được hưởng thừa kế nếu trong nội dung di chúc thể hiện ý nguyện của ông ngoại sẽ để lại một phần di sản cho A.

Trường hợp ông ngoại A chết không để lại di chúc thì di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Mẹ của A chết năm 2018 – chết trước ông ngoại. Theo quy định của pháp luật về thừa kế thế vị, các con bao gồm A và các anh/ chị/ em khác còn sống (nếu có) sẽ được nhận thế vị phần di sản thừa kế của ông ngoại mà mẹ A đáng ra sẽ được hưởng nếu như còn sống.

3. Lời khuyên pháp lý

Thực tế trong đời sống, việc con chết trước cha, mẹ không phải quá hiếm gặp. Nếu quý bạn đọc thuộc trường hợp cha/ mẹ bạn không may mất trước ông bà, quý bạn đọc có thể tìm hiểu xem người ông/ bà của bạn có để lại di chúc hay không. Nếu không có di chúc, bạn sẽ được hưởng phần kỷ phần của cha/ mẹ bạn mà đáng ra cha/ mẹ bạn được nhận nếu họ còn sống.

Đây là quyền lợi chính đáng của bạn được pháp luật bảo vệ và phù hợp với văn hóa, đạo đức của cộng đồng.

Trên đây là những giải đáp của Hãng luật MIBI về câu hỏi liên quan đến nội dung về quy định của pháp luật về thừa kế thế vị. Nếu còn bất cứ thắc mắc hoặc cần sự trợ giúp, hãy liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI tư vấn và đồng hành.

Bài viết bởi Trợ lý luật sư Cù Thị Thanh Huyền – Hãng luật MIBI

Đọc thêm bài viết cùng tác giả dưới đây:

Di chúc hợp pháp cần những điều kiện gì?

Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế đối với người đang chấp hành án phạt tù

03 điều kiện để di chúc miệng hợp pháp