Theo pháp luật, cha, mẹ, vợ/chồng, con là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người đã chết. Trường hợp không có di chúc, họ sẽ được hưởng di sản thừa kế nếu không từ chối nhận di sản và không thuộc các trường hợp không được quyền hưởng di sản. Vậy con riêng có được hưởng di sản thừa kế từ bố dượng, mẹ kế không?

Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp cho Quý bạn đọc.

1. Quy định pháp luật

Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”.

Như vậy, con riêng được thừa kế di sản từ bố dượng, mẹ kế nếu giữa họ có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con.

Quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015 cũng áp dụng với trường hợp thừa kế thế vị và đối với quan hệ giữa con nuôi với cha nuôi, mẹ nuôi.

Quy định này cũng phù hợp với tinh thần của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 khi xác định con riêng cũng là một thành viên trong gia đình (khoản 16 Điều 3) và quy định cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc chồng có quyền và nghĩa vụ tương tự như quyền và nghĩa vụ trong mối quan hệ giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con cái (Điều 79).

2. Ví dụ minh họa

Ví dụ 1:

Cha ruột của A mất lúc A còn nhỏ. Mẹ A lấy chồng khác là ông B không lâu sau đó. Ông B đối xử rất tốt với A và cũng nuôi dưỡng, thương yêu, chăm sóc A như con ruột. Ngược lại, A cũng rất yêu thương và kính trọng ông B. Gần đây ông B đã mất và không để lại di chúc. Nếu ông B vẫn còn những người con đẻ khác thì A có được hưởng thừa kế của ông B hay không.

Trong trường hợp này, A là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông B (cùng với mẹ của A, cha đẻ, mẹ đẻ của ông B (nếu họ còn sống), các con đẻ của ông B) và được hưởng thừa kế của ông B theo quy định.

Ví dụ 2:

Chị M là con nuôi hợp pháp của bà N, được bà N nhận nuôi trước khi bà N kết hôn với ông K. Sau khi bà N kết hôn với ông K, chị M sinh sống cùng bà N, ông K, được ông K chăm sóc, thương yêu như con đẻ. Năm 2020, chị M chết; đến năm 2024, ông K chết không để lại di chúc.

Trong trường hợp này, nếu chị M có con thì các con của chị M sẽ được hưởng thừa kế thế vị từ ông K.

Tham khảo bài viết về thừa kế thế vị TẠI ĐÂY.

3. Lời khuyên pháp lý

Pháp luật có quy định về việc con riêng và bố dượng, mẹ kế được thừa kế di sản của nhau, nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con. Tuy nhiên trên thực tế, việc chứng minh như thế nào là có “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con” còn có nhiều tranh cãi.

Vì vậy, để việc chuyển dịch tài sản sau khi chết được đảm bảo theo đúng ý nguyện của mình, tránh phát sinh các tranh chấp, mẫu thuẫn không đáng có thì người để lại tài sản nên chủ động lập di chúc trước.

Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ.

Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI.

Tham khảo các bài viết cùng chủ đề TẠI ĐÂY.

Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:

Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?

Tin nhắn Zalo có được coi là “chứng cứ” trong Tố tụng dân sự?

03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”