Trong bất kỳ tranh chấp nào, trước khi xem xét đến yếu tố về nội dung, một trong những vấn đề đầu tiên mà chúng ta cần đánh giá là thời hiệu khởi kiện, đặc biệt là đối với người bị kiện. Đôi khi chỉ vì không nắm bắt được quy định pháp luật liên quan đến thời hiệu khởi kiện, người bị kiện có thể bỏ lỡ cơ hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
1. Quy định pháp luật về thời hiệu khởi kiện và việc áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện
Pháp luật dân sự quy định thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích bị hợp pháp. Nếu thời hạn đó kết thúc thì chủ thể sẽ mất quyền khởi kiện. Chẳng hạn thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng dân sự là 3 năm, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản là 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản,…
Tuy nhiên, có một điều mà các đương sự thường không nắm bắt được, dẫn đến việc không đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đó là Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.
Như vậy, đối với Người bị kiện, một khi đã xác định thời hiệu khởi kiện không còn, Quý khách hàng chỉ cần yêu cầu Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu để từ chối chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện mà không cần chứng minh thêm về nội dung.
2. Ví dụ và phân tích
Để làm rõ, MIBI Law xin đưa ra một ví dụ cụ thể như sau:
- Năm 08/2019, A và B cùng ký hợp đồng, theo đó A đặt hàng B một lô hàng gia dụng trị giá 500 triệu đồng để A phân phối cho các cửa hàng bán lẻ trong khu vực. A đã đặt cọc 100 triệu đồng cho B. Theo quy định tại hợp đồng, thời hạn giao hàng thống nhất là trong vòng 30 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng, trường hợp quá 45 ngày mà B không giao hàng cho A, B phải hoàn trả tiền cọc cho A và chịu phạt cọc bằng số tiền bằng hai lần số tiền đã đặt cọc.
- Do quá 45 ngày kể từ ngày ký hợp đồng nhưng B không gom đủ hàng theo thỏa thuận, B đã hoàn trả 100 triệu tiền đặt cọc cho A, nhưng chưa trả số tiền phạt cọc. Do vẫn tiếp tục có các hoạt động hợp tác khác, hai bên không nhắc đến số tiền phạt cọc nêu trên nữa.
- Tháng 6/2023, việc hợp tác giữa A và B có nhiều mâu thuẫn, A quyết định khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu B phải trả cho A số tiền phạt cọc 200 triệu đồng theo hợp đồng đã ký từ tháng 8/2019. Trong quá trình Tòa án thụ lý, giải quyết, do gia đình gặp phải biến cố, B vắng mặt trong các phiên làm việc và phiên tòa xét xử vụ án và không có bất kỳ ý kiến gì liên quan đến việc giải quyết vụ án. Tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án đã ra quyết định buộc B phải trả cho A tiền phạt cọc 200 triệu đồng và tiền lãi chậm trả đối với số tiền phạt cọc tương ứng với thời gian chậm trả.
Lúc này, B đến nhờ Luật sư tư vấn giải quyết.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư đã chỉ ra cho B thấy những bất lợi của B trong quan hệ tranh chấp, đồng thời phân tích, lưu ý cho B để B rút ra kinh nghiệm nếu gặp phải tình huống tương tự. Cụ thể, tại thời điểm A khởi kiện B đã là hết thời hiệu giải quyết tranh chấp về hợp đồng dân sự (3 năm). Tuy nhiên, Tòa án không đương nhiên được từ chối yêu cầu khởi kiện của A mà chỉ áp dụng thời hiệu nếu có yêu cầu của một bên hoặc các bên.
Như vậy với trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của mình, B phải yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu để từ chối thụ lý/giải quyết yêu cầu khởi kiện của A, yêu cầu này phải được đưa ra trước khi có bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên trên thực tế, vì điều kiện gia đình và vì hiểu biết pháp luật còn hạn chế, B đã bỏ lỡ và khi mời yêu cầu luật sư tham gia giai đoạn phúc thẩm, cơ hội lật lại tình thế theo phương án này đã không còn nữa. Lúc này, luật sư và B phải xem xét, đánh giá các vấn đề khác để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của B, nhưng chắc chắn kết quả không thể tốt và dễ dàng như phương án nếu B yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu ngay từ đầu.
3. Lời khuyên pháp lý
Từ câu chuyện của B, có lẽ quý bạn đọc cũng đã rút ra kinh nghiệm, khi giải quyết bất kỳ tranh chấp nào, cần phải xem xét toàn diện mọi vấn đề, đặc biệt là vấn đề thời hiệu khởi kiện. Hãy vận dụng quy định pháp luật một cách đúng và phù hợp để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Nếu quý bạn đọc gặp phải tình huống tương tự hay cần sự hỗ trợ, tư vấn thêm, quý bạn đọc có thể liên hệ với MIBI Law TẠI ĐÂY để được đồng hành hỗ trợ các vấn đề pháp lý.
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI.
Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:
Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?
Tin nhắn Zalo có được coi là “chứng cứ” trong Tố tụng dân sự?
03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”