Trong lịch sử pháp luật đất đai của Việt Nam, khái niệm tái định cư bắt đầu xuất hiện từ Luật Đất đai 2003. Trải qua hai đời luật, khái niệm tái định cư được tồn tại nhưng chưa được định nghĩa một cách cụ thể, dẫn đến những cách hiểu thiếu thống nhất. Khắc phục tồn tại đó, Luật Đất đai 2024 đã lần đầu tiên định nghĩa cụ thể khái niệm “tái định cư”.
Hãy cùng Hãng luật MIBI tìm hiểu khái niệm “tái định cư” và các quy định liên quan đến chính sách tái định cư theo Luật Đất đai 2024.
1. Quy định pháp luật về tái định cư
1.1. Định nghĩa “tái định cư”
Khoản 39 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định:
“Tái định cư là việc Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp cho người có đất thu hồi hoặc hỗ trợ bằng giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người không đủ điều kiện bồi thường về đất ở theo quy định của Luật này nhưng không còn chỗ ở nào khác”.
Định nghĩa này đã diễn giải một cách tường minh, rõ ràng về khái niệm tái định cư. Theo đó, tái định cư có thể là bồi thường bằng đất ở, nhà ở tái định cư hoặc hỗ trợ bằng giao đất ở, nhà ở tái định cư, tùy thuộc vào điều kiện của người có đất thu hồi.
Trước đó, việc chưa có định nghĩa tái định cư có thể dẫn đến cách hiểu: tái định cư là một trong ba chính sách của Nhà nước đối với trường hợp thu hồi đất, độc lập với chính sách bồi thường và chính sách hỗ trợ. Từ cách hiểu thiếu thống nhất này, một số địa phương đã từ chối giao đất tái định cư cho người có đất thu hồi với lý do người có đất thu hồi đã nhận bồi thường bằng tiền và không còn quyền yêu cầu chính sách tái định cư.
1.2. Thời điểm bố trí tái định cư
Theo khoản 6 Điều 91 Luật Đất đai 2024:
“Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất”.
Đây là quy định không mới, được kế thừa trên tinh thần của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành: “Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư”; “Dự án tái định cư được lập và phê duyệt độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng phải bảo đảm có đất ở, nhà ở tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất”.
1.3. Giá đất tái định cư
Theo khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai 2024:
“Giá đất tính tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư đối với người được bồi thường về đất ở, người được giao đất ở tái định cư trong trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất ở là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trường hợp chưa có giá đất trong bảng giá đất thì phải bổ sung bảng giá đất để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho người được bố trí tái định cư.”
Đây là quy định mới của Luật Đất đai 2024, làm rõ nguyên tắc tái định cư phải kịp thời và cùng thời điểm với thu hồi đất; tránh sự thiếu thống nhất trong việc xác định giá đất tính tiền sử dụng đất tái định cư đã tồn tại tại nhiều địa phương trên cả nước như trước đây.
Theo thực tế đã tham gia đồng hành và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người có đất thu hồi thuộc diện được bố trí tái định cư, Hãng luật MIBI nhận thấy có sự thiếu thống nhất trong cách xác định giá đất cụ thể tính tiền sử dụng đất tái định cư, dẫn đến thiệt hại cho người có đất thu hồi.
Ví dụ:
Năm 2018, UBND thành phố X, tỉnh Y thu hồi đất của ông A để thực hiện dự án Z. Ông A thuộc trường hợp bị thu hồi toàn bộ đất ở và phải di chuyển chỗ ở sau khi thu hồi. UBND thành phố X đã có quyết định phê duyệt phương án bố trí đất tái định cư cho ông A, giá đất tái định cư theo phương án dự kiến xác định theo giá đất cụ thể năm 2018.
Do chậm trễ trong việc chuẩn bị mặt bằng tái định cư, đến năm 2022, UBND thành phố X mới ban hành quyết định giao đất cho ông A. Giá đất tái định cư được xác định theo giá đất cụ thể năm 2022 (áp dụng theo khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai 2013: “Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất”). Việc áp dụng khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai 2013 mâu thuẫn với quy định tại điểm c khoản 3 Điều 69 Luật này: “Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt” bởi UBND thành phố X đang xác định giá đất trái với giá đất đã được phê duyệt trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đi ngược lại với tinh thần luật định về tái định cư. Đây là vấn đề đang tồn tại ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là trong bối cảnh chính sách tái định cư chưa “đi trước” thời điểm thu hồi đất như chủ trương, đường lối của Đảng và quy định pháp luật.
Chúng tôi cho rằng khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai 2013 không thể thuần tuý áp dụng cho trường hợp xác định giá giao đất tái định cư. Mặc dù, nếu áp dụng Điều 108 Luật Đất đai 2013 để xác định giá đất tái định cư tại thời điểm giao đất thì người dân hoàn toàn có thể yêu cầu Nhà nước thực hiện bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 khi giao đất tái định cư chậm làm phát sinh giá đất tái định cư phải nộp, nhưng việc quy định tại khoản 3 Điều 111 Luật Đất đai 2024 là hoàn toàn cần thiết, là điểm đột phá và đã triệt để khắc phục được các tồn tại này ở Luật Đất đai 2013.
2. Lời khuyên pháp lý
Tái định cư là chính sách của Nhà nước để đảm bảo về quyền có chỗ ở hợp pháp của công dân được Hiến pháp quy định, đồng thời là sự bù đắp của Nhà nước khi thu hồi đất của người dân. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, việc thực hiện chính sách tái định cư tại nhiều địa phương chưa được đảm bảo, dẫn đến thiệt hại cho người có đất thu hồi.
Từ kinh nghiệm thực tế, Hãng luật MIBI nhận thấy, khi chính sách tái định cư không được thực hiện đúng quy định, người dân thường:
(1) chỉ nhận thức được quyền lợi của mình không đảm bảo nhưng không thể xác định được cơ quan nào thực hiện sai, sai ở đâu, vi phạm quy định nào;
(2) gửi đơn khiếu nại, đề nghị, phản ánh không đúng thẩm quyền, không tuân thủ quy định về hình thức, nội dung đơn;
Tham khảo bài viết về 03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”
(3) không xem xét đến thời hiệu khiếu nại, thời hiệu khởi kiện, dẫn đến đôi khi mất quyền khiếu nại, khởi kiện.
Do đó, Hãng luật MIBI khuyến nghị trong trường hợp nhận thấy quyền lợi của mình không được đảm bảo, Quý bạn đọc nên tìm đến Luật sư hoặc những người có hiểu biết pháp luật để được hướng dẫn và tư vấn.
Hãng luật MIBI với đội ngũ Luật sư, Cố vấn dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai và giải quyết tranh chấp về đất đai hân hạnh được đồng hành cùng Quý bạn đọc. Vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để kết nối cùng chúng tôi.
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI.
Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:
Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?
Tin nhắn Zalo có được coi là “chứng cứ” trong Tố tụng dân sự?
Tạm ứng án phí và trường hợp bị đơn phải nộp tạm ứng án phí
Bỏ lỡ đánh giá về thời hiệu khởi kiện – bị đơn mất cơ hội lật ngược tình thế