Trong những năm gần đây, Hộ kinh doanh đã trở thành hình thức kinh doanh phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Để đảm bảo việc hoạt động một cách hiệu quả, chủ hộ kinh doanh cần hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia sàn thương mại điện tử.
1. Vì sao chủ hộ kinh doanh cần nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình?
Chủ hộ kinh doanh cần nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nói riêng:
Bảo vệ quyền lợi: Hiểu rõ quyền lợi của mình giúp chủ hộ kinh doanh bảo vệ lợi ích hợp pháp, tránh bị xâm phạm.
Tuân thủ quy định pháp luật: Nắm vững các nghĩa vụ pháp lý giúp chủ hộ kinh doanh tránh các vi phạm pháp luật, giảm thiểu rủi ro bị xử phạt hoặc gặp rắc rối pháp lý.
Quản lý kinh doanh hiệu quả: Hiểu quyền lợi và nghĩa vụ giúp chủ hộ kinh doanh xây dựng kế hoạch hoạt động rõ ràng và hiệu quả hơn, từ đó phát triển kinh doanh bền vững.
Tăng khả năng hợp tác: Khi hiểu rõ về các quyền và nghĩa vụ, chủ hộ có thể thiết lập mối quan hệ hợp tác minh bạch với đối tác, khách hàng và cơ quan quản lý.
2. Quyền lợi của chủ hộ kinh doanh
2.1. Tự chủ và đơn giản hoá hoạt động kinh doanh
Chủ hộ có quyền quyết định mọi hoạt động liên quan đến hộ kinh doanh mà không cần phải thông qua các thủ tục quyết định tập thể phức tạp như mô hình tại các doanh nghiệp. Điều này giúp họ dễ dàng quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh theo cách đơn giản và hiệu quả. Chủ hộ kinh doanh cũng có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
2.2. Miễn giảm thuế
Trong năm đầu đăng ký, hộ kinh doanh sẽ được miễn giảm thuế môn bài (Căn cứ Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 22/2022/NĐ-CP)
Đối với các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100.000.000 VNĐ / năm sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ về thuế (Căn cứ Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC)
Trường hợp hộ kinh doanh được hưởng chế độ thuế khoán, mức thuế khoán áp dụng cho toàn ngành có thể mang lại một số lợi thế nhất định cho chủ hộ về mặt lợi nhuận sau thuế.
2.3. Chuyển đổi hình thức kinh doanh
Khi nhận thấy hình thức kinh doanh không còn phù hợp với quy mô và nhu cầu thực tiễn công việc kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có quyền chuyển đổi hình thức kinh doanh sang doanh nghiệp.
2.4. Được pháp luật bảo vệ và hỗ trợ
Chủ hộ kinh doanh có quyền đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại và các quyền khác liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ cung cấp. Chủ hộ kinh doanh có quyền đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2.5. Tham gia các chính sách ưu đãi của nhà nước
Chủ hộ kinh doanh có quyền được hưởng các chương trình hỗ trợ từ Nhà nước dành cho hộ kinh doanh như chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn kinh doanh, tiếp cận vốn vay ưu đãi và các dịch vụ tư vấn kinh doanh khác. Như vậy, chủ hộ kinh doanh hoàn toàn có thể tiến hành thủ tục tham gia các chương trình ưu đãi này để tối ưu hoá nguồn vốn cho tổ chức của mình.
Căn cứ pháp lý: Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
3. Nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh
3.1. Nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính theo quy định:
- Chủ hộ cần thực hiện nghĩa vụ thuế cho hộ kinh doanh khi doanh thu của hộ đạt từ 100.000.000 VNĐ / năm. Các nghĩa vụ này bao gồm:
– Thuế giá trị gia tăng : 1% / tổng doanh thu (Căn cứ Phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC)
– Thuế thu nhập cá nhân: 0,5% / tổng doanh thu (Căn cứ Phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC)
– Lệ phí môn bài: Dựa trên doanh thu cụ thể (Căn cứ Điều 4 Nghị định 139/2016/ND-CP và Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC)
- Nghĩa vụ tài chính đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
- Các khoản bảo hiểm theo quy định trong trường hợp có sử dụng lao động.
3.2. Quản lý điều hành, là đại diện của hộ kinh doanh
Chủ hộ kinh doanh là đại diện pháp luật của hộ kinh doanh với tư cách bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án khi có tranh chấp. Trong trường hợp thuê người quản lý, điều hành, chủ hộ kinh doanh và các thành viên của hộ vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
3.4. Chia sẻ lợi nhuận với các thành viên theo biên bản thoả thuận
Lợi nhuận kinh doanh sau khi khấu trừ nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính và chi phí kinh doanh sẽ được chủ hộ kinh doanh đại diện chia cho các thành viên trong hộ theo biên bản thoả thuận khi thành lập.
3.5. Chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ
Khi tham gia hoạt động kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cần tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh của hộ.
Căn cứ pháp lý: Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
4. Lời khuyên pháp lý
Đối với hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói riêng, việc lựa chọn và hiểu về hình thức kinh doanh có giá trị rất lớn. Việc nắm bắt và hiểu những quy định về quyền và nghĩa vụ sẽ giúp chủ hộ kinh doanh tránh được những sai sót khi thực hiện .
Bên cạnh đó các chủ thể khi có ý định kinh doanh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đăng ký hộ kinh doanh, nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, cá nhân, tổ chức khác. Điều này sẽ giúp tạo dựng uy tín của hộ kinh doanh, đồng thời cũng hạn chế việc bị xử phạt hành chính.
Ngoài ra, chủ hộ kinh doanh cũng cần lưu ý các quy định về bảo hiểm và lao động, tránh các hành vi vi phạm pháp luật.
Để nắm vững các quy định pháp lý liên quan đến ngành nghề và loại hình kinh doanh, chủ hộ nên thường xuyên cập nhật các thay đổi trong quy định pháp luật và tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia pháp lý khi gặp những vướng mắc cần giải đáp.
Mời bạn đón xem các nội dung khác trong chuyên đề pháp lý về kinh doanh thương mại điện tử:
- Cá nhân, các thành viên hộ gia đình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nên đăng ký loại hình kinh doanh nào?
- Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh thương mại điện tử
Theo dõi Hãng luật MIBI trên Fanpage và Youtube để cập nhật các thông tin pháp luật hữu ích khác.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.