Nhà ở xã hội là một trong những chính sách đang được dư luận vô cùng quan tâm. Mới đây, ngày 01/08/2024, Luật Nhà ở 2023 đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, có 08 đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội.
1. 08 đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội
Theo khoản 1 Điều 77, Điều 76 Luật Nhà ở 2023, 08 đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội bao gồm:
– Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
– Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
– Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
– Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp.
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác (áp dụng trong trường hợp chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân).
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
– Đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Luật này, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật này.
– Hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Ngoài 08 trường hợp được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội nêu trên, học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được thuê nhà ở xã hội trong thời gian học tập.
2. Điều kiện được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội
2.1. Điều kiện được mua, thuê mua nhà ở xã hội
Để được mua, thuê mua nhà ở xã hội, người có nhu cầu cần đảm bảo 02 điều kiện sau:
a. Điều kiện về nhà ở:
Người có nhu cầu phải thuộc một trong hai trường hợp:
(1) chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đó
(2) có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu.
Cụ thể, trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình được xác định khi người có nhu cầu và vợ hoặc chồng của người đó (nếu có) không có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội đó tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 77 Luật Nhà ở 2023, khoản 1 Điều 29 Nghị định 100/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở về phát triển nhà ở xã hội.
b. Điều kiện về thu nhập
– Đối với người chưa kết hôn: thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng/tháng.
– Đối với người đã kết hôn: tổng thu nhập hàng tháng thực nhận của hai vợ chồng không quá 30 triệu đồng/tháng.
Lưu ý: Điều kiện về thu nhập chỉ áp dụng với 03 nhóm đối tượng, gồm: người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; công nhân, người lao động và cán bộ, công chức, viên chức. Các đối tượng còn lại không áp dụng điều kiện về thu nhập.
2.2. Điều kiện được thuê nhà ở xã hội
Người có nhu cầu không cần đáp ứng điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập như đối với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Như vậy, so với Luật Nhà ở 2014, Luật hiện hành đã bỏ điều kiện về phải có thường trú hoặc đăng ký tạm trú trong thời hạn 01 năm tại tỉnh, thành phố nơi có dự án nhà ở xã hội. Đây là một quy định mở ra nhiều cơ hội cho những người có nhu cầu, nhất là với các cặp vợ chồng trẻ.
3. Lời khuyên pháp lý
Nhà ở xã hội được coi là một cánh cửa nhằm tháo gỡ khó khăn cho những người có điều kiện về kinh tế kém hơn mặt bằng chung của xã hội, nhất là trong bối cảnh giá cả thị trường bất động sản ngày càng tăng cao như hiện nay.
Nếu có nhu cầu, Quý bạn đọc nên thường xuyên cập nhật thông tin về các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn mình sinh sống. Ngoài ra, Quý bạn đọc cần chủ động chuẩn bị trước các hồ sơ cần thiết để nộp cho chủ đầu tư dự án như: đơn mua/thuê mua nhà ở xã hội, hợp đồng lao động có xác nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã, xác nhận của UBND xã/phường về thu nhập trong trường hợp không có hợp đồng lao động,…
Trường hợp chưa xác định được mình có phải đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội hay không, cần chuẩn bị những giấy tờ gì, Quý bạn đọc vui lòng liên hệ với Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY để được tư vấn, hỗ trợ.
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI.
Tham khảo bài viết chủ đề Đất đai – Bất động sản TẠI ĐÂY.
Tham khảo một số bài viết cùng tác giả dưới đây:
Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?
Tin nhắn Zalo có được coi là “chứng cứ” trong Tố tụng dân sự?
03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”