Sau khi ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con cái là một trong những vấn đề pháp lý quan trọng, đặc biệt khi một bên không thực hiện nghĩa vụ này. Việc một trong hai bên trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và cuộc sống của con cái. Vậy trong trường hợp này, bạn phải làm những gì?

Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp và hướng dẫn cho bạn đọc.

1. Quy định pháp luật
1.1. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con

Theo Điều 82 và Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn, đặc biệt đối với con chưa đủ 18 tuổi hoặc đã trưởng thành nhưng không có khả năng tự nuôi dưỡng.

Dù không còn sống chung, cha mẹ vẫn phải duy trì nghĩa vụ cấp dưỡng để đảm bảo các nhu cầu cơ bản của con như ăn, mặc, học tập và chăm sóc sức khỏe. Việc cấp dưỡng không chỉ đảm bảo sự phát triển toàn diện của con mà còn thể hiện trách nhiệm pháp lý của cha mẹ trong việc bảo vệ quyền lợi của con cái sau ly hôn.

Do đó, khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh trách nhiệm, cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan Thi hành án buộc người đó thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo đúng quy định pháp luật.

1.2. Xử lý như thế nào khi một bên từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng

1.2.1. Khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn, thỏa thuận về quyền nuôi con, thăm nom và cấp dưỡng cho con sau ly hôn nhưng bên có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện, bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc người đó thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Hồ sơ khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con bao gồm:

a. Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng

Mẫu Đơn khởi kiện được quy định tại Mẫu số 23-DS kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Hãng luật MIBI cung cấp mẫu Đơn khởi kiện về việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con để Quý độc giả tham khảo:

Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng Nguồn tổng hợp Hãng luật MIBI

Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng (Nguồn tổng hợp: Hãng luật MIBI)

b. Chứng minh thư nhân dân/ Căn cước công dân (có chứng thực hoặc công chứng)

c. Bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực

d. Bản sao có chứng thực giấy khai sinh của con

e. Một số tài liệu, chứng cứ chứng minh thu nhập của các bên như: bảng lương, hợp đồng lao động.

1.2.2. Yêu cầu thi hành án về cấp dưỡng nuôi con

Nếu Tòa án đã ra quyết định về nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện, bạn có thể yêu cầu cơ quan Thi hành án can thiệp để buộc người đó thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Hồ sơ  yêu cầu thi hành án về cấp dưỡng nuôi con bao gồm:

a. Đơn yêu cầu thi hành án

Mẫu Đơn yêu cầu thi hành án cấp dưỡng được quy định tại Mẫu số D01-THADS tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BTP ngày 14/08/2023 của Bộ tư pháp.

Hãng luật MIBI cung cấp mẫu Đơn yêu cầu thi hành án cấp dưỡng để Quý độc giả tham khảo:

Đơn yêu cầu thi hành án Nguồn tổng hợp Hãng luật MIBI

Đơn yêu cầu thi hành án (Nguồn tổng hợp: Hãng luật MIBI)

b. Bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành.

c. Tài liệu hoặc chứng cứ chứng minh người có nghĩa vụ thi hành án có tài sản. Nếu người yêu cầu không tìm hiểu được thông tin về tài sản của người được yêu cầu, có thể làm đơn yêu cầu Cục Thi hành án xác minh.

2. Lời khuyên pháp lý

Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ không thể thay thế hay chuyển giao cho người khác. Để bảo vệ quyền lợi của con, bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng cứ và tài liệu cần thiết khi khởi kiện hoặc yêu cầu thi hành án.

Quá trình giải quyết yêu cầu cấp dưỡng có thể kéo dài nếu không có sự hỗ trợ pháp lý đúng đắn. Vì vậy, nếu gặp khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp cấp dưỡng, bạn nên tìm kiếm sự tư vấn từ luật sư chuyên môn để được hướng dẫn và giúp đỡ kịp thời.

Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ!

Bài viết bởi TTS. Nguyễn Thị Hằng

Tham khảo thêm các bài viết về chủ đề Hôn nhân và Gia đình TẠI ĐÂY và đừng quên theo dõi Hãng luật MIBI tại các nền tảng: Facebook, Youtube để cập nhật các thông tin pháp luật hữu ích.