Hãng luật MIBI nhận được tình huống pháp lý về việc công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng và vì mục đích để chăm lo cho các đồng thừa kế khác.
Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp câu hỏi cho Quý độc giả, đồng thời giới thiệu Án lệ số 16/2017/AL – căn cứ để áp dụng giải quyết trong tình huống này.
1. Tình huống pháp lý
Thưa luật sư, bố mẹ tôi sinh được 03 người con (bao gồm tôi, anh C và chị B) và cùng tạo lập được tài sản chung là 01 mảnh đất và 01 căn nhà cấp bốn. Vào năm 2010, bố tôi mất (không có di chúc) nên gia đình gặp khó khăn tài chính, mẹ tôi đã bán mảnh đất nói trên cho ông T để lấy tiền trang trải cuộc sống, chăm lo cho các con. Thời điểm mẹ tôi chuyển nhượng mảnh đất, 03 anh em chúng tôi đều biết và không có ý kiến về việc này. Ông T đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với phần diện tích đất được chuyển nhượng
Năm 2023, mẹ tôi qua đời và không để lại di chúc, anh em tôi cũng chưa thực hiện phân chia di sản thừa kế mà bố mẹ để lại. Khoảng vài tháng trước, anh C làm ăn vỡ nợ nên về nhà đập phá và đòi chia thừa kế. Anh C cho rằng mảnh đất mà mẹ tôi bán cho ông T là tài sản thừa kế của bố tôi và bắt ông T phải trả lại mảnh đất này.
Giờ cho tôi xin hỏi việc chuyển nhượng diện tích đất giữa mẹ tôi và ông T có hợp pháp không? Diện tích đất này có nằm trong khối di sản để thừa kế của bố mẹ tôi không?
2. Áp dụng Án lệ 16/2017/AL để giải quyết tình huống
Vụ việc kể trên có xuất hiện nhiều tình tiết tương tự với Quyết định giám đốc thẩm số 573/2013/DS-GĐT ngày 16/12/2013 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự Tranh chấp thừa kế tài sản (“Quyết định”). Quyết định này đã được các nhà lập pháp phát triển thành nguồn của pháp luật và xây dựng thành Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng (“Án lệ số 16/2017/AL”).
Nếu vụ việc của bạn đọc thỏa mãn các điều kiện sau:
- Di sản thừa kế là bất động sản;
- Người thực hiện việc chuyển nhượng di sản thừa kế là một trong số các đồng thừa kế;
- Các đồng thừa kế khác (không tham gia vào việc chuyển nhượng) biết mà không phản đối việc chuyển nhượng, trong trường hợp này có thể được xem như các đồng thừa kế khác đã chấp nhận việc chuyển nhượng;
- Số tiền chuyển nhượng được dùng để lo cuộc sống cho các đồng thừa kế. Mục đích của việc chuyển nhượng này là vì lợi ích chung của tất cả các đồng thừa kế;
- Bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thì Tòa án có thể áp dụng Án lệ số 16/2017/AL để giải quyết theo hướng: Trên cơ sở các thông tin mà Quý bạn đọc cung cấp, việc chuyển nhượng diện tích đất giữa mẹ bạn và ông T là hợp pháp nếu Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa mẹ bạn và ông T. Từ đây, diện tích đất đã được chuyển nhượng sẽ được xác định là không còn nằm trong khối di sản để thừa kế.
3. Giới thiệu ngắn gọn Án lệ số 16/2017/AL
Nội dung Án lệ số 16/2017/AL:
“[2] Năm 1991, bà Phùng Thị G chuyển nhượng cho ông Phùng Văn K diện tích 131m2 trong tổng diện tích 398m2 của thửa đất trên; phần diện tích đất còn lại của thửa đất là 267,4m2. Năm 1999 bà Phùng Thị G đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 267,4m2, bà Phùng Thị G cùng vợ chồng anh Phùng Văn T vẫn quản lý sử dụng nhà đất này. Việc bà Phùng Thị G chuyển nhượng đất cho ông Phùng Văn K các con bà Phùng Thị G đều biết, nhưng không ai có ý kiến phản đối gì, các con của bà Phùng Thị G có lời khai bà Phùng Thị G bán đất để lo cuộc sống của bà và các con. Nay ông Phùng Văn K cũng đã được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, có cơ sở để xác định các con bà Phùng Thị G đã đồng ý để bà Phùng Thị G chuyển nhượng diện tích 131m2 nêu trên cho ông Phùng Văn K. Tòa án cấp phúc thẩm không đưa diện tích đất bà Phùng Thị G đã bán cho ông Phùng Văn K vào khối tài sản để chia là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản là tổng diện tích đất 398m2 (bao gồm cả phần đất đã bán cho ông Phùng Văn K) để chia là không đúng.”
Nội dung của Án lệ số 16/2017/AL chỉ ra rằng: Tòa án phải công nhận tính hợp pháp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế ký hợp đồng chuyển nhượng; diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng nếu:
- các đồng thừa kế khác biết cũng như không phản đối việc chuyển nhượng này;
- số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để chăm lo cuộc số của các đồng thừa kế;
- bên nhận chuyển nhượng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong trường hợp cần tư vấn cụ thể, vui lòng liên hệ Hãng luật MIBI để được đồng hành, hỗ trợ.
Theo dõi Hãng luật MIBI trên Fanpage và Youtube để cập nhật các thông tin pháp luật hữu ích khác.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.