Liên quan đến việc mua bán ô tô là di sản thừa kế, anh Q. tại Hai Bà Trưng, Hà Nội liên hệ nhờ Hãng luật MIBI tư vấn:
Tôi được biết chị T. ở gần nhà đang rao bán 01 chiếc xe ô tô đứng tên anh H là chồng chị T, do anh H mua sau khi hai vợ chồng kết hôn. Hiện nay anh H đã chết (năm 2023), anh chị có 03 con chung, lần lượt sinh năm 2008, 2013 và 2020.
Nếu tôi mua chiếc ô tô này thì có vướng mắc gì không? Quá trình mua bán có cần lưu ý gì không?
Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp câu hỏi của anh Q.
1. Giải đáp câu hỏi
1.1. Chiếc xe ô tô thuộc quyền sở hữu của ai?
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân”.
Trước khi anh H chết, chiếc ô tô này thuộc tài sản chung của hai vợ chồng anh H, chị T.
Theo Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
Như vậy, sau khi anh H chết, chiếc ô tô này được chia thành 02 phần: 01 phần là tài sản của chị T; 01 phần là di sản của H. Trong trường hợp này, phần di sản của anh H phải được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh H, bao gồm chị T, 03 người con và bố mẹ anh H (nếu họ còn sống).
Do đó, chị T không đương nhiên có quyền bán chiếc xe ô tô này.
1.2. Khi nào chị T được quyền bán chiếc xe ô tô?
Chiếc ô tô chỉ được giao dịch khi đã hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Bản thân chị T được quyền bán chiếc xe ô tô khi có được sự đồng thuận của những người thừa kế khác hoặc những người thừa kế khác từ chối nhận di sản của anh H, trong đó:
- Việc từ chối nhận di sản (nếu có) phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực.
- Sự đồng thuận của những người thừa kế khác được thể hiện thông qua một trong các hình thức: (1) những người thừa kế cùng nhau ký vào văn bản mua bán ô tô; (2) những người thừa kế khác có văn bản ủy quyền cho chị T thực hiện việc mua bán ô tô.
Liên hệ hãng luật MIBI TẠI ĐÂY để được cung cấp các dịch vụ:
- Tư vấn, soạn thảo Văn bản khai nhận di sản thừa kế, Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế; Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế; Hợp đồng mua bán xe ô tô; Văn bản ủy quyền;…
- Tư vấn thủ tục công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật
1.3. Có lưu ý gì trong việc giao dịch không khi cả 03 người con đều còn nhỏ?
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015:
“2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”
Như vậy, để đảm bảo việc ký Hợp đồng mua bán ô tô đúng quy định pháp luật, Hãng luật MIBI có một số lưu ý với trường hợp của anh như sau:
- Đối với cháu bé sinh năm 2008 (đến nay là 16 tuổi): ô tô là tài sản phải đăng ký, do đó cháu bé là người hợp đồng nhưng phải có sự đồng ý của chị T.
- Đối với cháu bé sinh năm 2013 (đến nay là 11 tuổi): cháu bé là người ký hợp đồng nhưng phải có sự đồng ý của chị T.
- Đối với cháu bé sinh năm 2020 (đến nay là 4 tuổi): chị H là người đại diện theo pháp luật của cháu sẽ ký thay cháu.
2. Lời khuyên pháp lý
Tổng kết lại, liên quan đến việc mua ô tô là di sản thừa kế, anh Q cần lưu ý thực hiện các bước:
(1) Yêu cầu bên bán thực hiện thủ tục khai nhận/phân chia di sản thừa kế;
(2) Ký, công chứng hợp đồng mua bán (trường hợp người thừa kế dưới 18 tuổi, cần lưu ý đến việc phải có sự đồng ý của người đại diện hoặc người đại diện ký thay);
(3) Đăng ký quyền sở hữu tại Cơ quan có thẩm quyền.
Vì thủ tục việc mua bán tài sản là di sản thừa kế, đặc biệt đối với tài sản cần đăng ký tương đối phức tạp, cần nhiều bước thực hiện nên trong nhiều trường hợp, các bên thường có xu hướng chỉ ký giấy viết tay với nhau để ghi nhận việc chuyển nhượng, dẫn đến sau này phát sinh các tranh chấp không đáng có.
Vì vậy, Hãng luật MIBI lưu ý Quý bạn đọc cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch này; hãy thực hiện đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.
Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ.
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI
Tham khảo các bài viết chủ đề Thừa kế TẠI ĐÂY.
Tham khảo các bài viết chủ đề Hôn nhân và gia đình TẠI ĐÂY.
Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:
Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?
Tin nhắn Zalo có được coi là “chứng cứ” trong Tố tụng dân sự?
03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”