Tranh chấp đất đai được Nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc giải quyết thông qua hòa giải tại cơ sở. Nhưng có rất nhiều người lầm tưởng rằng tất cả các tranh chấp đất đai đều bắt buộc phải hòa giải tại cơ sở để đảm bảo điều kiện khởi kiện. Thực tế có phải như vậy hay không và liệu rằng, có tranh chấp liên quan đến đất đai nào không bắt buộc phải hòa giải tại cơ sở trước khi khởi kiện hay không?
1. Quy định pháp luật về các trường hợp tranh chấp đất đai phải hòa giải tại cơ sở để đảm bảo điều kiện khởi kiện tại Tòa án
Thực tế trong quá trình tư vấn và đồng hành cùng khách hàng, MIBI Law nhận thấy, khách hàng hay nhầm lẫn khi cho rằng, tất cả các tranh chấp đất đai đều cần được hòa giải cơ sở (hòa giải tại UBND cấp xã) trước khi khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên, đây là cách hiểu chưa chính xác.
Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:
“Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.”
Như vậy, không phải tất cả các tranh chấp về đất đai đều cần hòa giải cơ sở để đảm bảo điều kiện khởi kiện mà chỉ có các tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất mới cần đáp ứng yêu cầu này.
2. Ví dụ và bình luận
Trường hợp 1:
Thửa đất mà gia đình ông A bà B cùng các con đang sinh sống không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật. Một trong các người con của gia đình cho rằng thửa đất này là đất hộ gia đình, do đó các thành viên trong gia đình có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với thửa đất. Trong khi đó, ông A và bà B cho rằng đây là đất của ông bà, không phải đất hộ gia đình.
Hiện nay, các thành viên trong gia đình đang tranh chấp vì không xác định được quyền sử dụng đối với thửa đất này là của ai, rơi vào trường hợp nào trong các trường hợp dưới đây: (1) thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình ông A; (2) thuộc quyền sử dụng của ông A; (2) thuộc quyền sử dụng của hai vợ chồng ông A và bà B.
Trong trường hợp này, các bên không thể xác định được ai là người có quyền sử dụng đất đối với thửa đất. Do đó, đây là tranh chấp bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã trước khi khởi kiện tại TAND có thẩm quyền.
Trường hợp 2:
Ông M (mất năm 2005) và bà N (mất năm 2008) để lại di sản là căn nhà và quyền sử dụng đất tại địa chỉ phường T, quận Hoàng Mai, Tp. Hà Nội. Các con của ông M và bà N tranh chấp liên quan đến việc chia di sản thừa kết là căn nhà và quyền sử dụng đất nêu trên.
Trong trường hợp này, các bên có thể khởi kiện ra TAND có thẩm quyền mà không bắt buộc phải thực hiện hòa giải tại UBND phường T.
Từ các ví dụ trên đây, có lẽ Quý bạn đọc đã có hình dung cụ thể về trường hợp nào bắt buộc và trường hợp nào không bắt buộc phải hòa giải tại cơ sở trước khi khởi kiện tại Tòa án.
Trong trường hợp còn bất kỳ thắc mắc nào hay cần sự hỗ trợ, tư vấn thêm, quý bạn đọc có thể liên hệ với MIBI Law TẠI ĐÂY để được đồng hành hỗ trợ các vấn đề pháp lý.
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI.
Đọc thêm bài viết cùng tác giả dưới đây:
Bỏ lỡ đánh giá về thời hiệu khởi kiện – Bị đơn “thiệt đơn thiệt kép”
03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”