Trong quá trình tư vấn và đồng hành cùng khách hàng liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về lao động, Hãng luật MIBI nhận thấy có một điểm chung là khách hàng thường băn khoăn, thắc mắc vì không biết tranh chấp lao động nào cần hòa giải tại cơ sở để đảm bảo điều kiện khởi kiện. Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ chia sẻ để Quý khách hàng và Quý bạn đọc có câu trả lời cụ thể đối với câu hỏi này.

1. Quy định pháp luật về các trường hợp tranh chấp lao động phải hòa giải tại cơ sở

Theo khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và khoản 2 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, có một số loại tranh chấp về lao động hoặc liên quan đến lao động không bắt buộc phải hòa giải trước khi khởi kiện, bao gồm:

  • Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
  • Tranh chấp về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
  • Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Nếu tranh chấp của Quý bạn đọc thuộc một trong các trường hợp kể trên thì Quý bạn đọc có thể trực tiếp khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Đối với các trường hợp còn lại, để đảm bảo điều kiện khởi kiện, Quý bạn đọc bắt buộc phải thực hiện hòa giải cơ sở thông qua hòa giải viên lao động.

2. Ví dụ và bình luận

Trường hợp 1:

Chị Nguyễn Thị M là lao động nữ tại Công ty TNHH May mặc X (“Công ty X”). Do đang trong thời kỳ mang thai, sức khỏe không tốt nên chị M bị quản lý đánh giá không hoàn thành tốt công việc và bị xử lý kỷ luật lao động theo hình thức cách chức đối với chức danh Quản đốc phân xưởng.

Không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật của Công ty X, chị M có mong muốn được khởi kiện ra TAND có thẩm quyền nhưng khi nộp đơn khởi kiện, chị M bị Tòa án từ chối và hướng dẫn chị cần thực hiện thủ tục hòa giải thông qua hòa giải viên lao động. Chị M liên hệ nhờ Luật sư tư vấn xem việc Tòa án từ chối tiếp nhận đơn khởi kiện của chị có đúng quy định hay không.

Khi nhận được câu hỏi của chị, Hãng luật MIBI đã giải thích để chị M hiểu, trong trường hợp này, Công ty kỷ luật chị theo hình thức “cách chức” là không đúng quy định. Tuy nhiên, tranh chấp về xử lý kỷ luật theo hình thức “cách chức” thuộc trường hợp bắt buộc phải hòa giải cơ sở trước khi khởi kiện. Do đó, việc cán bộ Tòa án từ chối tiếp nhận Đơn khởi kiện và hướng dẫn chị hòa giải thông qua hòa giải viên cơ sở là đúng quy định pháp luật.

Trường hợp 2:

Bà Phạm Thị N. là người giúp việc gia đình trong gia đình anh Bùi Văn P. Do có nhiều bất đồng trong quá trình lao động, bà N. khởi kiện anh P vi phạm các thỏa thuận đã thống nhất giữa các bên, chậm thanh toán tiền lương cho bà N, yêu cầu bà N thực hiện các công việc ngoài phạm vi đã thỏa thuận.

Trong trường hợp này, Bà N có thể khởi kiện anh P ra TAND có thẩm quyền mà không bắt buộc phải thực hiện hòa giải thông qua hòa giải viên lao động.

Từ các ví dụ trên đây, có lẽ Quý bạn đọc đã có hình dung cơ bản về tranh chấp lao động nào bắt buộc và tranh chấp lao động nào không bắt buộc phải hòa giải tại cơ sở trước khi khởi kiện tại Tòa án.

3. Lời khuyên pháp lý

Pháp luật có quy định về các trường hợp phải/không phải hòa giải trước khi khởi kiện. Tuy nhiên, qua quá trình trao đổi với Khách hàng, chúng tôi nhận thấy khách hàng thường vẫn còn nhiều băn khoăn, vướng mắc và khó có thể đưa ra một đáp án rõ ràng rằng trường hợp của mình có bắt buộc phải thực hiện hòa giải trước khi khởi kiện hay không.

Trong trường hợp còn bất kỳ thắc mắc nào hay cần sự hỗ trợ, tư vấn thêm, Quý bạn đọc có thể liên hệ với Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY để được đồng hành hỗ trợ các vấn đề pháp lý.

Bài viết bởi Nguyễn Thị Linh Chi – Luật sư Hãng luật MIBI.

Đọc thêm bài viết cùng tác giả dưới đây:

Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?

Bỏ lỡ đánh giá về thời hiệu khởi kiện – Bị đơn “thiệt đơn thiệt kép”

80% Công ty cổ phần không biết: Nếu không tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông, công ty có bị phạt không?

03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”