Theo quy định của pháp luật, khi muốn đơn phương ly hôn, người có yêu cầu phải nộp Đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Vậy hồ sơ kèm theo Đơn khởi kiện cần những gì? Trong trường hợp, người vợ/chồng của bạn vì muốn cản trở việc ly hôn mà cố tình cất giữ, che giấu các tài liệu cần thiết đó, bạn cần phải làm những gì?

Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp cho Quý bạn đọc.

1. Hồ sơ yêu cầu ly hôn

Với mỗi vụ việc, tùy theo từng đương sự, từng yêu cầu khởi kiện mà hồ sơ, tài liệu, chứng cứ cần chuẩn bị có thể sẽ khác nhau. Tại bài viết này, Hãng luật MIBI cung cấp danh mục các hồ sơ cở bản nhất để yêu cầu ly hôn của Quý bạn đọc được thụ lý, cụ thể như sau

 a. Đơn khởi kiện về việc xin ly hôn

Mẫu Đơn khởi kiện được quy định tại Mẫu số 23-DS kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Hãng luật MIBI cung cấp mẫu Đơn khởi kiện về việc xin ly hôn cơ bản để Quý độc giả tham khảo:

Biểu mẫu Đơn khởi kiện xin ly hôn

Biểu mẫu Đơn khởi kiện xin ly hôn

Hiện nay, một số Tòa án cung cấp mẫu Đơn khởi kiện (có đóng dấu của Tòa án) và chỉ chấp nhận Đơn khởi kiện theo mẫu đã đóng dấu đó. Vì vậy, để đảm bảo Đơn khởi kiện của bạn được chấp nhận, bạn cần tìm hiểu trước xem Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn của bạn có yêu cầu sử dụng đúng mẫu của Tòa hay không, trường hợp không yêu cầu bạn nên chuẩn bị Đơn khởi kiện từ trước để tránh mất thời gian, công sức đi lại.

b. Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

c. Bản sao chứng thực một trong giấy tờ chứng thực cá nhân của vợ và chồng: căn cước công dân, hộ chiếu;

d. Bản sao chứng thực Giấy khai sinh của các con;

e. Giấy tờ chứng minh tài sản chung/nợ chung vợ chồng (trong trường hợp có yêu cầu phân chia tài sản khi ly hôn);

Một số giấy tờ chứng minh tài sản chung vợ chồng thường gặp như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy đăng ký xe ô tô, xe gắn máy; sổ tiết kiệm; hợp đồng vay tiền;…

f. Các tài liệu, chứng cứ khác củng cố cho yêu cầu ly hôn của bạn

Một số tài liệu, chứng cứ thường gặp như: hình ảnh chứng minh bạn thường xuyên bị vợ/chồng bạo hành; hình ảnh vợ/chồng bạn ngoại tình; bảng lương, hợp đồng lao động của bạn (trường hợp muốn giành quyền nuôi con);…

2. Tình huống pháp lý

Chị Phạm Thanh H. tại Phú Thọ có hỏi:

“Em và chồng kết hôn được ba năm, có 01 con chung. Gần đây chồng em thường xuyên rượu chè, không tu chí làm ăn, hay đánh đập vợ con. Biết em muốn ly hôn, chồng em đã xé giấy đăng ký kết hôn và cũng giấu căn cước công dân của anh ấy đi. Bây giờ nếu không có giấy đăng ký kết hôn và căn cước công dân của chồng thì em có ly hôn được không?”

Trường hợp của chị H là tình huống khá phổ biến đối với các vụ án ly hôn đơn phương – thường là khi ý chí muốn ly hôn chỉ đến từ một phía. Ở phía còn lại, người chồng/người vợ vì không muốn ly hôn nên sẽ tìm cách cản trở, gây khó khăn, cố tình giấu các tài liệu, chứng cứ cần thiết đi.

Trong trường hợp này, chị H có thể chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ thay thế như sau:

– Về Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn: chị có thể đến cơ quan quản lý hộ tịch nơi vợ chồng chị đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao/trích lục đăng ký kết hôn.

– Về giấy tờ chứng thực cá nhân của người chồng: ngoài căn cước công dân, chị có thể cung cấp cho Tòa án bản sao chứng thực của Hộ chiếu, Giấy phép lái xe, Thẻ Đảng viên,… Trong trường hợp không có khả năng thu thập các tài liệu, chứng cứ trên, chị có thể trình bày rõ với Tòa án (bằng văn bản) về việc không có khả năng thu thập vì người vợ/người chồng cố tình cất giữ, che giấu, đồng thời đề nghị Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu chứng cứ này.

3. Lời khuyên pháp lý

Từ kinh nghiệm thực tế, Hãng luật MIBI nhận thấy thông thường đối với các vụ án ly hôn, các đương sự thường bị cảm xúc tri phối, dễ hoang mang, không biết đơn khởi kiện phải viết những gì, yêu cầu khởi kiện như thế nào, cần chuẩn bị hồ sơ giấy tờ gì kèm theo,…

Vì vậy, khi không may mắn phải quyết định việc chấm dứt cuộc hôn nhân của mình, Quý bạn đọc nên nhờ Luật sư hoặc những người có hiểu biết pháp luật để được tư vấn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi ly hôn.

Ngoài ra, để tránh tình trạng bị người vợ/chồng cố tình tiêu hủy/giấu giấy tờ như chị H ở tình huống nên trên, Quý bạn đọc nên chủ động chuẩn bị, lưu trữ hoặc chứng thực trước các giấy tờ cần thiết trước khi thông báo/để người vợ/chồng mình biết thông tin mình yêu cầu ly hôn.

Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ.

Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI

Tham khảo các bài viết cùng chủ đề TẠI ĐÂY.

Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:

Vợ đã tái giá thì có được hưởng di sản thừa kế từ người chồng quá cố không?

Để khai nhận thừa kế cần những giấy tờ gì?

Con riêng có được hưởng di sản thừa kế từ bố dượng, mẹ kế không?