Phân chia di sản thừa kế có thể thực hiện theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật đã có quy định để hạn chế phân chia di sản thừa kế nếu việc phân chia di sản đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ/ chồng của người để lại di sản.

Vậy như thế nào là ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ/ chồng của người để lại di sản và trong những trường hợp như vậy, pháp luận sẽ có quy định như thế nào để đảm bảo quyền lợi của người ở lại?

Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp cho Quý bạn đọc.

 

1. Quy định pháp luật về hạn chế phân chia di sản
1.1. Hạn chế phân chia di sản thừa kế khi nào?

Hạn chế phân chia di sản được hiểu là việc phân chia di sản có điều kiện về mặt thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc phân chia tài sản của người đã mất để lại cho người thừa kế không thể được thực hiện ngay tại thời điểm mở thừa kế mà phải đợi một khoảng thời gian nhất định, phụ thuộc vào:

(1)     ý chí của người để lại di sản,

(2)     thoả thuận của những người thừa kế, hoặc

(3)     yêu cầu của bên vợ hoặc bên chồng còn sống nếu việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ và gia đình.

(Căn cứ pháp lý: Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015)

1.2. Như thế nào được xem là “ảnh hưởng nghiêm trọng”?

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có hướng dẫn việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống và gia đình theo quy định tại Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015 là trường hợp người chết có để lại di sản, nhưng nếu chia di sản này cho người thừa kế thì vợ hoặc chồng còn sống và gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như: không có chỗ ở, mất nguồn tư liệu sản xuất duy nhất…

Ví dụ: Trước khi kết hôn, anh A mua được một ngôi nhà cấp 4 có diện tích 35 m2. Sau đó anh A kết hôn với chị B và không nhập ngôi nhà này vào khối tài sản chung của vợ chồng. Sau khi sinh được một người con thì anh A chết và không để lại di chúc. Bố mẹ của anh A yêu cầu chia di sản thừa kế là ngôi nhà của anh A. Chị B và con không có chỗ ở nào khác và cũng chưa có điều kiện để tạo lập chỗ ở khác. Ngôi nhà này lại không thể chia được bằng hiện vật.

Trong trường hợp này việc chia di sản thừa kế là ngôi nhà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chị B và con.

1.3. Thời hạn tối đa mà di sản thừa kế bị hạn chế phân chia

–      Đối với trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế: Thời hạn hạn chế trong trường hợp này phụ thuộc vào ý chí của người chết hoặc sự thỏa thuận.

 –     Đối với trường hợp yêu cầu của bên vợ hoặc bên chồng còn sống nếu việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ và gia đình: Thời hạn chưa cho chia di sản là không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.

2. Lời khuyên pháp lý

Hạn chế phân chia di sản trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống và gia đình theo quy định tại Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015 là một quy định mang tính nhân văn, bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu để hạn chế ảnh hưởng của việc chia di sản đến cuộc sống của mình hoặc gia đình.

Tuy nhiên, Toà án chỉ xem xét việc hạn chế phân chia di sản trong trường hợp này khi có yêu cầu của người liên quan. Do đó, nếu bạn là vợ hoặc chồng của người để lại di sản và nhận thấy việc phân chia di sản khiến cho mình và gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của mình và gia đình, bạn cần làm đơn kèm theo bằng chứng chứng minh gửi cho Toà án để yêu cầu Toà án chưa cho chia di sản. Khi đó, Toà án sẽ quyết định hạn chế phân chia di sản nếu xét thấy có đủ căn cứ.

Nhưng bạn cũng cần lưu ý, đây chỉ là phương án giải quyết khó khăn tạm thời trước mắt. Sau thời hạn 06 năm (nếu tính cả thời gian được gia hạn) kể từ thời điểm mở thừa kế, bạn mất quyền được yêu cầu hạn chế phân chia di sản. Khi đó, di sản thừa kế sẽ được chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật. Vậy nên, trong thời gian di sản bị hạn chế phân chia, bạn cần chủ động chuẩn bị lên kế hoạch để tháo gỡ khó khăn và chủ động các phương án khác khi hết thời hạn hạn chế phân chia di sản.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến hạn chế phân chia di sản thừa kế mà Hãng luật MIBI khái quát cho Quý bạn đọc. Nếu còn bất cứ thắc mắc hoặc cần sự trợ giúp, hãy liên hệ TẠI ĐÂY để được Chúng tôi tư vấn và đồng hành.

Bài viết bởi Trợ lý luật sư Cù Thị Thanh Huyền – Hãng luật MIBI

Tham khảo các bài viết cùng chủ đề TẠI ĐÂY.

Đọc thêm bài viết cùng tác giả dưới đây:

Di chúc hợp pháp cần những điều kiện gì?

Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế đối với người đang chấp hành án phạt tù

03 điều kiện để di chúc miệng hợp pháp