Hội nhập kinh tế, phát triển toàn cầu, nhiều mặt trái của xã hội đã nảy sinh, trong đó có hiện tượng nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng hay sống thử. Hệ quả của hiện tượng này là rất nhiều đứa trẻ được sinh ra khi cha mẹ chưa đăng ký kết hôn, thiệt thòi trong việc không được biết cha đẻ mình là ai. Rất nhiều trường hợp trong số họ khi khôn lớn mong muốn được tìm về cội nguồn, được mang họ cha nhưng người cha đã chết.

Như vậy, câu hỏi đặt ra: Liệu có đổi họ cho con từ họ mẹ sang họ cha trong trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn và cha đã chết được không? Trình tự, thủ tục và cách thức thực hiện như thế nào? Hãy cùng Hãng luật MIBI tìm hiểu.

1. Xác định quan hệ cha con khi cha đã chết

Xác định quan hệ cha con là việc xác định rõ cha đẻ, con đẻ trong quan hệ pháp luật giữa cha con. Việc xác định quan hệ cha con dựa trên sự kiện về sinh đẻ, quan hệ hôn nhân và huyết thống. Trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn, việc xác định quan hệ cha con dựa trên quan hệ về huyết thống.

1.1. Con có được quyền nhận cha khi cha đã chết không?

Điều 90 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.”

Như vậy, con hoàn toàn có quyền nhận cha dù trong trường hợp người cha đã chết. Tuy nhiên, lưu ý trường hợp nếu con là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự muốn nhận cha thì cần phải có sự đồng ý của mẹ.

1.2. Xác định cha cho con khi cha đã chết như thế nào?

Khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.”

Các trường hợp không có tranh chấp, việc xác định cha con do cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện. Tuy nhiên xác định quan hệ cha con trong trường hợp cha đã chết có tính đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

Về chủ thể có quyền yêu cầu, trường hợp con đã thành niên (đủ 18 tuổi không thuộc các trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự) thì tự mình yêu cầu Toà án xác định một người là cha của mình. Trường hợp con chưa thành niên, người đại diện theo pháp luật của con (người mẹ,…) có thể yêu cầu Toà án xác định một người là cha của con mình.

Về căn cứ chứng minh quan hệ cha con, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ, cụ thể về tài liệu chứng cứ chứng minh quan hệ cha con gồm những chứng cứ cụ thể như thế nào? Tuy nhiên thông thường, chứng cứ mang tính thuyết phục cao nhất để chứng minh quan hệ huyết thống là kết quả giám định gen giữa người con và người cha, trường hợp người cha đã chết thì giám định gen giữa người con với người thân thích của người cha (những người nam trong dòng họ nội nếu người con là trai; những người nữ trong dòng họ nội nếu người con là gái).

Ví dụ:

  • Nếu người con là con trai, có thể giám định gen với chú ruột, bác trai ruột, ông nội, anh/em trai cùng cha, ông chú, ông bác (trai),…
  • Nếu người con là con gái, có thể giám định gen với cô ruột, bác gái ruột, bà nội, chị em gái cùng cha, bà cô ruột,…

Khi đã có quyết định của Toà án công nhận quan hệ cha con, thông tin về người cha sẽ được ghi chú trong sổ hộ tịch và được cập nhật trên giấy khai sinh.

2. Thay đổi họ của con từ họ mẹ đẻ sang họ cha đẻ trong trường hợp cha đẻ đã chết

2.1. Có được thay đổi họ con từ họ mẹ đẻ sang họ cha đẻ hay không?

Người con có quyền thay được thay đổi họ từ họ mẹ đẻ sang họ cha đẻ trong nội dung Giấy khai sinh đã đăng ký ngay cả khi cha đẻ đã chết. Tuy nhiên cần lưu ý, trường hợp thay đổi họ cho con dưới 18 tuổi cần phải có sự đồng ý của mẹ đẻ; trường hợp thay đổi họ cho con từ đủ 9 tuổi trở lên cần có sự đồng ý của con.

Căn cứ pháp lý: điểm a khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền thay đổi họ; khoản 1 Điều 26 Luật Hộ tịch quy định về phạm vi thay đổi hộ tịch, khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định về điều kiện thay đổi hộ tịch.

2.2. Thủ tục thay đổi họ cho con từ họ mẹ sang họ cha đẻ trong trường hợp cha đẻ đã chết

Sau khi đã xác lập quan hệ cha con theo quy định của pháp luật, Điều 28 Luật Hộ tịch 2014, việc thay đổi họ của con từ họ mẹ đẻ sang họ cha đẻ trong trường hợp cha đẻ đã chết được thực hiện như sau:

2.2.1. Hồ sơ xin đổi họ con từ họ mẹ đẻ sang họ cha đẻ bao gồm:

  • Tờ khai tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch (01 bản gốc);
  • Giấy khai sinh (01 bản gốc);
  • Các giấy tờ khác liên quan đến việc thay đổi (CMND/CCCD, Sổ hộ khẩu, Quyết định công nhận quan hệ cha con của Toà án,…)
  • Văn bản thể hiện sự đồng ý của con (trong trường hợp con từ đủ 9 tuổi trở lên);
  • Văn bản thể hiện sự đồng ý của mẹ (trong trường hợp con dưới 18 tuổi).

2.2.2. Trình tự thực hiện

Sau khi đã chuẩn bị xong các tài liệu nêu ở trên, người có yêu cầu đăng ký thay đổi họ tiến hành nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Cụ thể, trường hợp người thay đổi họ là cá nhân dưới 14 tuổi, cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân; đối với cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên, nơi tiếp nhận hồ sơ là Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm nhưng không quá 03 ngày làm việc.

Trên đây là nội dung tư vấn về trường hợp đổi họ cho con từ họ mẹ đẻ sang họ bố đẻ khi cha mẹ không đăng ký kết hôn và cha đã chết. Hãng luật MIBI hi vọng bạn đọc có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng khi cần thiết.

Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận được ý kiến tư vấn cụ thể từ Hãng luật MIBI, hãy liên hệ với chúng tôi TẠI ĐÂY.

Bài viết bởi Trợ lý luật sư Cù Thị Thanh Huyền – Hãng luật MIBI

Đọc thêm bài viết cùng tác giả dưới đây:

Di chúc hợp pháp cần những điều kiện gì?

Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế đối với người đang chấp hành án phạt tù

Tội cố ý gây thương tích – nếu tỷ lệ thương tật dưới 11% mà không có yêu cầu của bị hại thì có bị khởi tố không?