Kế toán trưởng thường được ví là “tay hòm chìa khóa” của Công ty. Vì vai trò đặc biệt này và vì sự thuận tiện mà tại nhiều Công ty thường có tình trạng chồng làm Giám đốc còn vợ đảm nhiệm luôn chức danh Kế toán trưởng. Vậy để làm kế toán trưởng cần những điều kiện gì và việc bổ nhiệm như vậy có tuân thủ đúng quy định pháp luật? Hãy cùng Hãng luật MIBI tìm hiểu.
1. Quy định pháp luật về tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng, người phụ trách kế toán
(Kế toán trưởng, người phụ trách kế toán sau đây gọi chung là “kế toán trưởng”)
Kế toán trưởng cần đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật
- Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán
- Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng
- Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng
- Ngoài ra, tùy từng cơ quan, doanh nghiệp mà kế toán trưởng phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên hoặc từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên
(Áp dụng với cơ quan, doanh nghiệp thông thường, không áp dụng với công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước hoặc là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân).
(Căn cứ pháp lý: Điều 51, 54 Luật Kế toán 2015; Điều 21 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán)
2. Các trường hợp không được làm kế toán
Những người không được làm kế toán bao gồm:
- Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Như vậy, vợ của giám đốc hoặc tổng giám đốc không được làm kế toán, bao gồm cả làm kế toán trưởng, trừ các trường hợp sau:
- doanh nghiệp tư nhân;
- công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu;
- doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – tức doanh nghiệp có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ hoặc nguồn vốn không quá 3 tỷ.
Nói cách khác, có 3 trường hợp nêu trên cho phép chồng làm giám đốc công ty thì vợ được đồng thời làm kế toán trưởng. Đây là quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những người có liên quan đến công ty như: cổ đông, thành viên góp vốn, các chức danh quản lý khác trong công ty,…
3. Chế tài xử phạt nếu bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm kế toán trưởng
Trường hợp bố trí/thuê người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định, cơ quan, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
(Căn cứ pháp lý: Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập)
4. Lời khuyên pháp lý
Như vậy, pháp luật chỉ cho phép 03 trường hợp chồng làm giám đốc thì vợ đồng thời được làm kế toán trưởng của công ty. Nếu không thuộc 03 trường hợp như chúng tôi đã phân tích ở trên, quý doanh nghiệp không nên bổ nhiệm vợ của giám đốc làm kế toán trưởng vì có thể bị xử phạt hành chính và gặp phải các vướng mắc về pháp lý không cần thiết.
Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ.
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI.
Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:
Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?
Tin nhắn Zalo có được coi là “chứng cứ” trong Tố tụng dân sự?
03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”