Liên quan đến quy định cụ thể về việc đăng ký đất đai, ngày 29/7/2024 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai.
Nghị định số 101/2024/NĐ-CP đã có nhiều nội dung thay đổi quan trọng về đăng ký đất đai, một trong đó là xây dựng một điều khoản cụ thể về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ chỉ ra các điểm mới quan trọng để giúp Quý bạn đọc thực hiện thủ tục đăng ký đất đai một cách thuận lợi, dễ dàng hơn.
1. Đăng ký đất đai gồm những gì?
Để thuận tiện trong quá trình viết bài, trong phạm vi bài viết này, Hãng luật MIBI định nghĩa Đăng ký đất đai là việc thực hiện một trong các thủ tục:
(1) đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu;
(2) đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất;
(3) cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp.
2. Người dân nộp hồ sơ đăng ký đất đai tại đâu?
2.1. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký đất đai
Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký đất đai bao gồm:
(1) Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Kết hợp với quy định tại Điều 7 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Bộ phận Một cửa có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký đất đai gồm: Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã.
(2) Văn phòng đăng ký đất đai.
(3) Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
2.2. Nơi nộp hồ sơ đăng ký đất đai
Khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định có 3 nhóm cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký đất đai. Tuy nhiên với mỗi trường hợp, pháp luật sẽ có quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tương ứng.
Để Quý bạn đọc có hình dung rõ ràng hơn, Hãng luật MIBI sẽ chỉ ra một số trường hợp cụ thể hay gặp như sau:
3. Người dân có thể nộp hồ sơ đăng ký đất đai bằng những hình thức nào?
Theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, Người yêu cầu đăng ký có thể lựa chọn một trong các hình thức nộp hồ sơ sau:
(1) Nộp trực tiếp tại các cơ quan đã xác định tại mục 2. trên;
(2) Nộp thông qua dịch vụ bưu chính;
(3) Nộp tại địa điểm theo thỏa thuận giữa người yêu cầu đăng ký và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai;
(4) Nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh;
Lưu ý:
(1) Khi nộp hồ sơ, người yêu cầu đăng ký được lựa chọn nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu hoặc nộp bản chính giấy tờ hoặc nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản này
(2) Trường hợp nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh thì hồ sơ nộp phải được số hóa từ bản chính hoặc bản sao giấy tờ đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
(3) Đối với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà thực hiện xác nhận thay đổi trên Giấy chứng nhận đã cấp thì người yêu cầu đăng ký nộp bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
4. Lời khuyên pháp lý
Đăng ký đất đai là một trong những thủ tục hành chính thường gặp trong đời sống. Tuy nhiên thủ tục này chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật, từ Luật Đất đai đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, khiến người dân gặp phải nhiều khó khăn trong việc thực hiện.
Trường hợp chưa nắm bắt được hồ sơ đăng ký đất đai của gia đình mình phải nộp ở đâu, nộp theo hình thức gì, cần chuẩn bị những giấy tờ gì, Quý bạn đọc vui lòng liên hệ với Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY để được tư vấn, hỗ trợ.
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI
Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:
Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?
Tin nhắn Zalo có được coi là “chứng cứ” trong Tố tụng dân sự?
03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”