Cưỡng chế thu hồi đất (cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất) là hành vi hành chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành, là biện pháp bắt buộc áp dụng với người có đất bị thu hồi mà không chấp hành quyết định thu hồi đất. Hãy cùng Hãng luật MIBI tìm hiểu quy định về cưỡng chế thu hồi đất và những điều cần lưu ý khi cưỡng chế thu hồi đất.
1. Quy định pháp luật về cưỡng chế thu hồi đất
1.1. Nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất
Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
- Tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật
- Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính. Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 10 giờ đêm ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, ngày lễ theo truyền thống của đồng bào dân tộc; trong thời gian 15 ngày trước và sau thời gian nghỉ Tết Âm lịch và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương
- Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và đối tượng khác có liên quan đến khu đất thu hồi (nếu có)
(Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 89 Luật Đất đai 2024)
1.2. Điều kiện thực hiện cưỡng chế thu hồi đất
Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:
- Quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành mà người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đấtsau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và cơ quan có chức năng quản lý đất đai hoặc đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã vận động, thuyết phục;
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;
- Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.
(Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 89 Luật Đất đai 2024)
1.3. Thẩm quyền thực hiện cưỡng chế thu hồi đất và thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
Quyết định cưỡng chế phải được thi hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế hoặc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản về việc người bị cưỡng chế vắng mặt hoặc người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế, trừ trường hợp quyết định cưỡng chế quy định thời gian dài hơn.
(Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 89 Luật Đất đai 2024)
1.4. Trình tự, thủ tục thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất
- Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban cưỡng chế thu hồi đất, bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban; đại diện các cơ quan có chức năng thanh tra, tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi là thành viên và các thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định;
- Ban cưỡng chế thu hồi đất vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban cưỡng chế thu hồi đất lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban cưỡng chế thu hồi đất tổ chức thực hiện cưỡng chế;
- Ban cưỡng chế thu hồi đất có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban cưỡng chế thu hồi đất có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban cưỡng chế thu hồi đất phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản;
- Ban cưỡng chế thu hồi đất mời đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp huyện tham gia giám sát việc cưỡng chế thu hồi đất.
(Căn cứ pháp lý: khoản 4 Điều 89 Luật Đất đai 2024)
2. Một số điểm mới so với Luật Đất đai 2013
Liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi đất, Luật Đất đai 2024 quy định một số điểm mới so với Luật Đất đai 2013, cụ thể:
- Quy định cụ thể về các khoảng thời gian không được cưỡng chế: từ 10 giờ đêm ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, ngày lễ theo truyền thống của đồng bào dân tộc; trong thời gian 15 ngày trước và sau thời gian nghỉ Tết Âm lịch và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương.
Đây là quy định mới có ý nghĩa trong việc cân bằng việc quản lý hành chính Nhà nước với các yếu tố văn hóa, xã hội và tâm lý của người bị cưỡng chế.
- Quy định cụ thể về thời hạn thi hành đối với quyết định cưỡng chế (10 ngày)
- Quy định cụ thể thành phần của Ban cưỡng chế thu hồi đất, bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban; đại diện các cơ quan có chức năng thanh tra, tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi là thành viên và các thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định
- Bổ sung quy định về vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong việc giám sát cưỡng chế thu hồi đất
3. Lời khuyên pháp lý
3.1. Đối với Cơ quan quản lý Nhà nước
Theo tìm hiểu của Hãng luật MIBI, thực tế thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất tại nhiều địa phương chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Chúng tôi khuyến nghị các quý cơ quan có thẩm quyền thực hiện cưỡng chế thu hồi đất cần tuân thủ đúng quy định pháp luật, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện.
3.2. Đối với người bị cưỡng chế
Từ kinh nghiệm tham gia đồng hành cùng người dân trong các vụ việc cưỡng chế thu hồi đất, Hãng luật MIBI thấu hiểu một bộ phận người bị cưỡng chế thường có tâm lý chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất, thậm chí đến khi có quyết định cưỡng chế thu hồi đất, người bị cưỡng chế vẫn tiếp tục có các hành vi, động thái không tích cực.
Tuy nhiên, đây là các hành vi không đúng với quy định pháp luật và trong nhiều trường hợp có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự vì hành vi chống đối người thi hành công vụ. Nếu quý bạn đọc không đồng ý với quyết định thu hồi đất, quý bạn đọc nên thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện của mình và không nên có các động thái chống đối, thiếu phối hợp.
Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ.
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI.
Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:
Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?
Tin nhắn Zalo có được coi là “chứng cứ” trong Tố tụng dân sự?
03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”