Cuộc sống hiện đại với nhiều mối quan hệ xã hội nở rộ, những xung đột, kích động cũng theo đó gia tăng, dẫn tới hành vi cố ý gây thương tích xảy ra ngày càng nhiều trên thực tế. Đặc biệt, ở lứa tuổi thanh, thiếu niên – độ tuổi thích thể hiện, hiếu thắng và thường hành động theo cảm xúc thì vấn đề gây thương tích dễ xảy ra nhiều hơn hết ở lứa tuổi này và rất dễ có khả năng vướng vào vòng lao lý của pháp luật.
Trước tiên cần phải khẳng định đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chúng ta hoàn toàn không cổ suý cho hành vi này, nhưng với một số người gây ra hành vi trong bối cảnh thiếu kiểm soát, hoặc có sự cộng hưởng lỗi từ bị hại, thì việc xem xét giải pháp để người có hành vi này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là một việc làm hết sức ý nghĩa.
Chúng tôi nhận được câu hỏi của khách hàng về trường hợp: A và B cùng 17 tuổi, là học sinh lớp 12 của trường THPT X. Do mâu thuẫn xích mích nhỏ trên mạng xã hội, sau giờ tan học, hai bên có lời qua tiếng lại và xảy ra xô xát. Trong quá trình đánh nhau, B đẩy A ngã đập đầu xuống đất. Sau đó, A có đi giám định thương tật và kết quả xác định tỷ lệ thương tật là 18%. Trường hợp này, gia đình của B nên làm gì, liệu B có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
1. Gây ra tổn thương cơ thể tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thì bị xem xét truy tố về tội cố ý gây thương tích
Trong trường hợp trên, tỷ lệ tổn thương cơ thể của A là 18%, do đó, B có thể bị truy tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: ….
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:…
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
…..”.
2. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích
Khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.”
Trong số những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác theo khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 nêu trên, có trường hợp độ tuổi nhỏ hơn 16 tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đó là trường hợp: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 134 của Bộ luật này (theo khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
Như vậy, đối với trường hợp này, B 17 tuổi là đã đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, bao gồm cả tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
3. Khi nào chỉ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là trường hợp pháp luật quy định cơ quan có thẩm quyền không tự quyết định việc khởi tố mà việc khởi tố vụ án chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của người bị hại. Cụ thể, khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 quy định:
“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”
Theo đó, một người gây thương tích dẫn tới thương tât của người khác dưới 18% (thuộc khoản 1 Điều 134 Bộ luật TTHS) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với điều kiện phía bị hại có có yêu cầu khởi tố gửi cơ quan có thẩm quyền.
4. Lời khuyên pháp lý
Như vậy, nếu không may gia đình nào có người thực hiện các hành vi cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự, thì phía gia đình cần lưu ý kịp thời liên hệ với bị hại để thoả thuận bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và trao đổi khéo léo để họ không làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Trường hợp phía bị hại đã làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền thì thoả thuận trao đổi để họ tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố, khi đó vụ án sẽ được đình chỉ và người thực hiện hành vi không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cách xử lý trên có thể giúp người đang trong độ tuổi thanh, thiếu niên, có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thoát được nguy cơ bị xử lý hình sự nếu được gia đình bị hại chấp thuận.
Tuy nhiên, đối tượng vi phạm cần hiểu rõ đây là hành vi sai trái và nguy hiểm mà không được phép lặp lại (nếu tái phạm nguy hiểm trong trường hợp này có thể bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, khi đó người thực hiện hành vi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không xét đến yêu cầu từ phía bị hại).
Về phía gia đình cần có sự quan tâm, giáo dục sát sao dành cho con em mình để không tái diễn hành vi sai trái, đồng thời hạn chế mối nguy hiểm cho an toàn xã hội.
Trên đây là các lưu ý để quý bạn đọc có cách giải quyết phù hợp trong trường hợp kể trên. Liên quan vấn đề của bài viết đề cập, Hãng luật MIBI cung cấp các dịch vụ pháp lý sau đây: tư vấn cách thức giải quyết, văn bản đề nghị không truy cứu tránh nhiệm hình sự, văn bản đề nghị bãi nại, biên bản thống nhất giải quyết sự việc,… Nếu bạn đọc có nhu cầu tư vấn cụ thể, hãy liên hệ với chúng tôi TẠI ĐÂY.
Bài viết bởi Trợ lý luật sư Cù Thị Thanh Huyền – Hãng luật MIBI.
Đọc thêm bài viết cùng tác giả dưới đây:
Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế đối với người đang chấp hành án phạt tù