Liên quan đến vấn đề trốn tránh tham gia các phiên làm việc Toà án, Anh Nguyễn Văn T tại quận B, Hà Nội liên hệ nhờ Hãng luật MIBI tư vấn:

Anh Nguyễn Văn T khởi kiện chị Nguyễn Ngọc M đến Tòa án nhân dân quận B về việc ly hôn, tranh chấp tài sản. Ngày 13/12/2023, Tòa án nhân dân quận B thụ lý vụ án.

Ngày 15/02/2024 Tòa án nhân dân quận B tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải song chị M vắng mặt không lý do, Tòa án thông báo sẽ tiếp tục mở phiên họp lần hai. Trước đó, Tòa án triệu tập chị M lên lấy lời khai song chị M cũng cố tình không có mặt. Nếu chị M cứ tiếp tục vắng mặt như vậy thì quá trình ly hôn có vướng mắc gì không?

Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp câu hỏi của anh.

1. Giải đáp câu hỏi
1.1. Đương sự có nghĩa vụ phải có mặt theo Giấy triệu tập của Tòa án

Theo quy định pháp luật, các đương sự khi tham gia tố tụng có những nghĩa vụ sau đây:

(i) Các đương sự phải có mặt trong các phiên tòa và phiên họp theo quy định pháp luật.

(ii) Các đương sự có trách nhiệm có mặt tại Tòa án theo đúng thời gian và địa điểm được ghi trong Giấy triệu tập do Tòa án gửi.

Do đó, việc chị M cố tình vắng mặt các buổi làm việc tại Tòa án vi phạm nghĩa vụ tham gia tố tụng.

(Căn cứ tại khoản 15,16 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Đương sự có nghĩa vụ tham gia phiên họp, phiên tòa theo Giấy triệu tập của Tòa án

1.2. Giải quyết thế nào nếu Chị M cố tình trốn tránh tham gia các buổi làm việc tại Tòa án?
  • Trường hợp chị M cố tình vắng mặt trong các buổi Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra, giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Theo khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định vụ án dân sự không thể tiến hành hòa giải được khi: “Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”.

Do đó, nếu chị M tiếp tục cố tình vắng mặt trong phiên họp lần hai mà không có lý do chính đáng cũng như không có văn bản gửi đến Tòa án, vụ án này sẽ thuộc trường hợp không thể tiến hành hòa giải.

Trong trường hợp này, Tòa án sẽ tiếp tục đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật và gửi tống đạt Giấy triệu tập cho chị M về thời gian, địa điểm tổ chức phiên tòa.

Tuy nhiên, đây là quy định của pháp luật, song việc áp dụng trên thực tế ít nhiều sẽ có sự khác biệt.

Mặc dù theo quy định pháp luật, việc có mặt trong các phiên tòa, phiên họp là trách nhiệm, nghĩa vụ của bị đơn, nếu bị đơn cố tình vắng mặt khi đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần hai thì có thể coi là họ đã từ bỏ các quyền lợi của mình.

Song, để đảm bảo trình tự tố tụng được đầy đủ và đảm bảo tính khách quan khi giải quyết, nhiều Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành triệu tập bị đơn để lấy ý kiến trước khi đưa vụ án ra xét xử. Việc này dẫn đến việc giải quyết Vụ án có thể sẽ bị kéo dài thêm nhiều tháng nếu bị đơn cố tình chống đối.

  • Trường hợp chị M cố tình trốn tránh không tham gia phiên tòa.

Tòa án mở phiên tòa xét xử và triệu tập hợp lệ mà chị M trốn tránh không có mặt tại phiên tòa thì:

–    Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà chị M không có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa và mở lại phiên tòa vào thời gian khác.

–    Tòa án mở phiên tòa và triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà chị M vắng mặt, không có lý do chính đáng thì Tòa án sẽ xét xử vắng mặt.

Trong trường hợp chị M có yêu cầu phản tố mà vắng mặt, không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố.

(Căn cứ Điều 217, Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

2. Lời khuyên pháp lý

Tổng kết lại, liên quan đến vấn đề trốn tránh tham gia các phiên làm việc Toà án, anh T cần lưu ý các vấn đề sau:

–    Tòa án có thể xét xử vắng mặt vụ án ly hôn nếu chị M cố tình trốn tránh không tham gia phiên tòa, tuy nhiên quy trình tố tụng sẽ kéo dài hơn do phải tiến hành các phiên họp, phiên tòa lần hai.

–    Mục đích của phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai tài liệu chứng cứ và hòa giải là để (1) các đương sự thực hiện quyền giao nộp, sao chụp các tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án và (2) tạo cơ hội để các đương sự có thể hòa giải dưới sự điều phối của Thẩm phán.

Do đó, trường hợp tại phiên họp lần 1, anh T đã giao nộp, cung cấp tài liệu chứng cứ và xét thấy nếu tổ chức phiên họp tiếp theo, chị M có thể sẽ trốn tránh, tiếp tục vắng mặt, anh T có thể cân nhắc việc đề nghị Tòa án không tiến hành hòa giải để tránh việc kéo dài thời gian chuẩn bị xét xử. trốn tránh

–    Tòa án sẽ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà anh T cung cấp; căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà Tòa án thu thập để xác định có đủ cơ sở để giải quyết ly hôn hay không. trốn tránh

–    Sau khi phiên Tòa kết thúc, chị M sẽ được cấp, tống đạt bản án cũng như các giấy tờ có liên quan. Nếu không đồng ý với Quyết định của Tòa án thì chị M có thể thực hiện quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Như vậy anh T có thể yên tâm rằng, trong trường hợp chị M trốn tránh, cố tình vắng mặt trong các phiên họp, phiên tòa, vụ án vẫn được giải quyết theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, anh vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ.

Bài viết bởi Hãng luật MIBI

Tham khảo các bài viết cùng chủ đề TẠI ĐÂY.