Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Việc ly hôn không chỉ ảnh hưởng đến người vợ, người chồng mà còn gây nên những xáo trộn nhất định cho gia đình, bố mẹ hai bên, đặc biệt là cho những đứa con. Để bảo vệ quyền lợi của những đứa con khi cha mẹ ly hôn, pháp luật đã có quy định rõ ràng về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn.
Vậy ai là người được quyền nuôi con sau khi ly hôn? Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp cho Quý bạn đọc.
1. Quy định pháp luật về quyền nuôi con sau khi ly hôn
Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định
“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
Như vậy, việc ai là người có quyền nuôi con khi ly hôn được xác định như sau:
Trường hợp 1 – Con từ đủ 7 tuổi trở lên:
Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con xem con con mong muốn được ở cùng với ai. Việc lấy ý kiến của đứa trẻ sẽ không được thực hiện trước mặt cha, mẹ để tránh gây áp lực cho đứa trẻ.
Trường hợp 2 – Con dưới 7 tuổi:
Vợ, chồng sẽ thỏa thuận xem ai là người nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi. Việc quyết giao con được căn cứ trên các yếu tố:
(1) Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;
(2) Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;
(3) Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;
(4) Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;
(5) Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;
(6) Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;
(7) Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.
(Căn cứ pháp lý: Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao)
2. Lời khuyên pháp lý
Ly hôn là việc ngoài ý muốn và không chỉ là câu chuyện của hai vợ chồng. Do đó, khi không may phải đi tới quyết định ly hôn khi đã có con cái, Quý bạn đọc cần cân nhắc toàn diện đến quyền lợi của đứa trẻ.
Trong trường hợp xét thấy việc mình giành quyền nuôi con sẽ tốt cho con hơn, Quý bạn đọc nên tập hợp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc mình nuôi con sẽ đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con.
Dưới đây, Hãng luật MIBI có một vài gợi ý cho Quý bạn đọc như sau:
(1) Chứng minh bạn có nhiều thời gian trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con
Ví dụ: tính chất công việc ổn định, thu nhập tốt, không phải thường xuyên đi công tác hay làm thêm giờ;
(2) Chứng minh bạn sẵn sàng cho con gặp vợ/chồng mình khi có điều kiện;
(3) Chứng minh con có sự gắn bó, thân thiết với bạn hơn vợ/chồng mình; bạn có sự quan tâm đối với con hơn vợ/chồng mình
Ví dụ: bạn chăm sóc việc ăn uống, học tập của con hơn, con thường xuyên nói chuyện, tâm sự với bạn nhiều hơn;
(4) Chứng minh việc con ở với bạn sẽ bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con
Ví dụ: khi con ở cùng bạn sẽ không phải thay đổi chỗ ở, được tiếp tục học tại trường con đang học,…;
(5) Chứng minh việc ở cùng bạn sẽ thuận lợi hơn cho sự phát triển về tâm lý của con (độ tuổi, giới tính)
Trên đây là một số ý kiến tư vấn của Hãng luật MIBI trong trường hợp Quý bạn đọc muốn giành quyền nuôi con khi ly hôn.
Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ.
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI
Tham khảo các bài viết cùng chủ đề TẠI ĐÂY.
Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:
Vợ đã tái giá thì có được hưởng di sản thừa kế từ người chồng quá cố không?
Để khai nhận thừa kế cần những giấy tờ gì?
Con riêng có được hưởng di sản thừa kế từ bố dượng, mẹ kế không?