Tai nạn sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ đã thu hút sự chú ý lớn trong dư luận những ngày vừa qua. Thực hiện bài viết này, chúng tôi đưa ra một số quan điểm dưới góc nhìn pháp lý, với mong muốn xoa dịu sự mất mát của gia đình các nạn nhân, phân tích trách nhiệm của các bên liên quan, làm tiền đề cho việc ban hành các quy định mới và biện pháp phối hợp, phòng ngừa thiệt hại hữu hiệu hơn trong tương lai.

1. Chính sách có thể xem xét cho người bị nạn
1.1. Quyền được hỗ trợ khắc phục thiên tai

Trước hết, vụ sập cầu Phong Châu được xem xét dưới góc độ là một thiên tai bất khả kháng như phản ánh tại báo cáo của tỉnh Phú Thọ: “ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến nước lũ trên sông Thao dâng cao”.[1] Khi đó, các nạn nhân bị mất tích trong vụ sập cầu có thể được xem là đối tượng được hỗ trợ tại Luật Phòng chống thiên tai 2014.

Theo đó, nạn nhân và thân nhân có quyền đề xuất UBND tỉnh Phú Thọ hiện thực hoá quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 30 Luật Phòng chống thiên tai 2013, số 33/2013/QH13: “Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra”, từ đó xác định nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả.

Người dân địa phương và các phương tiện lưu thông trên tuyến đường bị ảnh hưởng so sự cố sập cầu, cần chủ động cập nhật thông tin khắc phục sự cố của tỉnh Phú Thọ. Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp sẽ có trách nhiệm ưu tiên khắc phục khẩn cấp công trình cầu nối huyết mạch giữa hai huyện Lâm Thao và Tam Nông trong thời gian sớm nhất, theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội, các nạn nhân của vụ sập cầu Phong Châu được xem xét các chế độ hỗ trợ sau:

  •  Hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng 

Căn cứ Điều 13 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, mức hỗ trợ chi phí điều trị đối với người bị thương nặng là 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội, tương đương 5.000.000 đồng.

(Căn cứ Điều 1 Nghị định số 76/2024/NĐ-CP, mức chuẩn trợ giúp xã hội mỗi tháng là 500.000 đồng kể từ ngày 01/07/2024)

Trong trường hợp người dân không có người thân thích chăm sóc, bị thương nặng ngoài nơi cư trú thì cơ quan, tổ chức trực tiếp cấp cứu, chữa trị có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện nơi cấp cứu, chữa trị cho đối tượng quyết định hỗ trợ theo mức quy định đối tượng tại nơi cư trú.

(Căn cứ theo Điều 13 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP)

  •  Hỗ trợ chi phí mai táng

Nếu người dân là đối tượng được hỗ trợ chi phí mai táng gồm hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai nghiêm trọng được xem xét hỗ trợ chi phí mai táng với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội, tương đương với 25.000.000 đồng.

Trường hợp khác, người dân nào mai táng cho người chết không có người nhận trách nhiệm tổ chức mai táng thì cũng sẽ được xem xét, hỗ trợ chi phí mai táng theo chi phí thực tế, tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội.

Trường hợp nạn nhân bị mất tích và không thể tìm thấy trong vòng 03 năm kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn, tức mất tích cho tới ngày 09/9/2027,[2] người nhà nạn nhân có thể tiến hành thủ tục xin hỗ trợ chi phí mai táng tối thiểu bằng 25.000.000 VNĐ.

(Căn cứ Điều 14 Nghị định 20/2021/NĐ-CP chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội và Điều 1 Nghị định 76/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 20/2021/NĐ-CP)

Ngoài ra, Hộ gia đình có người là lao động chính bị thiệt mạng, mất tích được nhà nước xem xét trợ giúp tạo việc làm, phát triển sản xuất theo quy định.

  • Hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích

Theo khoản 1 Điều 16, khoản 2 Điều 19 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, trẻ em có cha, mẹ bị chết, mất tích do sập cầu Phong Châu được hưởng các chế độ hỗ trợ:

(1) Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng;

(2) Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế;

(3) Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.

Sập cầu Phong Châu

Sập cầu Phong Châu là một trong những sự kiện kinh hoàng, khiến 08 người mất tích, 03 người bị thương và làm gián đoạn việc đi lại của hàng ngàn gia đình.

1.2. Quyền được bồi thường nhà nước và bồi thường trách nhiệm dân sự

Quá trình điều tra và đấu tranh làm rõ nguyên nhân của vụ sập cầu có thể chỉ ra trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trước nhà nước và những nạn nhân, thân nhân của người bị nạn. Một số quan điểm về vấn đề này sẽ được tổng hợp tại Mục 2 của bài viết. Khi đó, nạn nhân và thân nhân cần nắm rõ các quy định của pháp luật để có thể bảo vệ đầy đủ nhất quyền lợi hợp pháp của mình.

Các khoản bồi thường nhà nước đối với nạn nhân bị thương hoặc mất tích trong vụ sập cầu đã được pháp luật quy định và bảo vệ tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, số 10/2017/QH14. Trong trường hợp nạn nhân đã mất, các khoản bồi thường của nhà nước sẽ bao gồm:

  • Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại trước khi mất; chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại trước khi mất;
  • Chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh trước khi mất; chi phí cho việc mai táng người bị thiệt hại chết được xác định theo mức trợ cấp mai táng theo quy định;
  • Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
  • Tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần lên đến 360 tháng lương cơ sở, tương đương 842,2 triệu đồng, căn cứ Điều 25 Luật số 10/2017/QH14 và Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Tương tự với trường hợp nạn nhân bị thương, các khoản bồi thường nhà nước bao gồm:

  • Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật cho người bị thiệt hại;
  • Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại; chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh;
  • Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại được bồi thường bao gồm chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại và tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần trong trường hợp này có thể lên đến 50 tháng lương cơ sở, tương đương 117 triệu đồng, căn cứ Điều 26 Luật số 10/2017/QH14 và Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

Các khoản bồi thường trách nhiệm dân sự, nạn nhân và thân nhân trong vụ sập cầu còn có khả năng nhận được các khoản bồi thường dân sự từ chủ thầu của các đợt trùng tu cầu Phong Châu tương đương với mức độ thiệt hại thực tế. Các nhóm đối tượng gián tiếp gây ra vụ tai nạn do hành vi khai thác trái phép không thể tránh khỏi nghĩa vụ bồi thường những người bị thiệt hại như phân tích tại Mục 1.2 bài viết này.

2. Cầu Phong Châu sụp đổ – Trách nhiệm thuộc về ai?

Thoạt nhìn, sự cố ở cầu Phong Châu dường như xảy đến hoàn toàn do sự kiện bất khả kháng là thiên tai, bão lũ. Báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ vào ngày xảy ra sự cố trình bày:

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi, gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu là nhịp 6 và nhịp 7″.[3]

Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình khai thác và trùng tu cây cầu này, có thể nhận thấy nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý và thi công dẫn đến tình trạng thiếu an toàn cầu đường bộ khi mưa lũ tràn về.

2.1. Cơ quan đánh giá, bảo trì định kỳ công trình cầu đường bộ

Về nghĩa vụ bảo trì công trình, Khoản 47 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi, số 62/2020/QH14 quy định:Công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng phải được tổ chức đánh giá định kỳ về an toàn của công trình xây dựng trong quá trình vận hành và sử dụng.”

Thi hành điều khoản này, Chính phủ đã giao Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ lập kế hoạch bảo trì, đồng thời giao vốn để đảm bảo công tác bảo trì diễn ra an toàn và ổn định trên tuyến giao thông trọng yếu.[4]

Tuy nhiên, việc bảo trì cầu Phong Châu đã không được thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định của pháp luật và phân công của chính quyền trung ương. Quá trình bảo dưỡng, trùng tu cầu Phong Châu đã cho thấy nhiều điểm mâu thuẫn giữa thực tiễn sử dụng, phản ánh của nhân dân và cử tri, so với kết luận của đơn vị thi công và cơ quan chịu trách nhiệu bảo trì.

Điển hình có thể kể để kiến nghị của Cử tri tỉnh Phú Thọ vào tháng 8 năm 2022 về việc xây dựng mới hai cây cầu thay thế cho cầu Phong Châu và cầu Tứ Mỹ trên địa bàn tỉnh, vốn đã được trùng tu, chắp vá quá nhiều lần khiến người dân lo ngại về tính an toàn. Tuy nhiên, báo cáo của cơ quan chức năng trước đó đã xếp hạng các cây cầu này nằm ngoài Nhóm 1 – gồm những cây cầu yếu được ưu tiên ngân sách xây mới theo nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025.

Vì thế, kiến nghị của cử tri năm 2022 đã không được phê duyệt mà thay vào đó, cầu Phong Châu chỉ được sửa chữa nhỏ ở một số hạng mục như sơn kết cấu nhịp dầm thép, khe co giãn mà không tác động gì tới cấu trúc hay dầm, trụ.

Trách nhiệm kiểm tra và bảo trì định kỳ đối với kết cấu cầu Phong Châu cũng đặt ra những nghi vấn. Cột trụ T7 của cây cầu, trải qua 5 năm kể từ khi được trùng tu gần nhất vào năm 2019 (nguồn: Dân trí) dường như không hề được đánh giá định kỳ theo quy định để đưa ra các phương án khắc phục, cho tới khi lượng cát dưới lòng sông không còn đảm bảo cho móng trụ đứng vững chỉ sau 2 ngày mưa lũ.

Hình ảnh cầu Phong Châu trơ móng khi nước cạn

Hình ảnh cầu Phong Châu trơ móng khi nước cạn

Về quy chuẩn kỹ thuật cần bảo đảm, căn cứ theo quy chuẩn tại Tiêu chuẩn TCVN 11823-4:2017 Phân tích, đánh giá kết cấu cầu đường bộ, cơ quan chức năng khi thực hiện bảo trì cầu Phong Châu cần đánh giá và bảo đảm các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật như sau:

“Nghiên cứu phương án các vị trí vượt sông cần bao gồm các đánh giá về: Các đặc trưng thủy văn và thủy lực của sông và vùng ngập của nó, bao gồm sự ổn định dòng sông, lũ lịch sử, biên độ và chu kỳ của thủy triều ở các vị trí vượt sông; Ảnh hưởng của cầu đối với phân bổ lũ và nguy cơ xói ở móng cầu; Khả năng gây nên những rủi ro mới hoặc làm tăng những rủi ro do lũ; …”

Như vậy, quy chuẩn kỹ thuật đã chỉ ra rất cụ thể những vấn đề đáng lẽ đã có thể được đánh giá và phát hiện thông qua các đợt kiểm định định kỳ hàng năm. Bằng phép so sánh đơn giản cũng có thể thấy, nếu như công trình cầu Phong Châu được kiểm định đạt chất lượng vào giai đoạn 2023-2024, chắc hẳn sự cố ngoài ý muốn không thể xảy ra chỉ sau một mùa mua lũ của năm 2024.

Do đó, bên cạnh việc khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, cơ quan được giao trách nhiệm trực tiếp thực hiện đánh giá, bảo trì công trình cầu Phong Châu cần nghiêm túc nhìn nhận lại vai trò của mình và chủ động phương án khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân vụ tai nạn và thận trọng hơn trong các dự án tương lai.

2.2. Xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức khai thác cát trái lòng sông

Chứng kiến vụ tai nạn sau nhiều năm theo dõi quá trình khai thác cây cầu Phong Châu, nhiều người dân cho rằng các bến khai thác cát trái phép cũng gián tiếp gây ra vụ sụt đổ trụ cầu, là nhóm đối tượng trực tiếp chịu trách nhiệm cho địa hình “khác lạ” của lòng sông mà trước đây là lớp cát dầy neo giữ trụ T7.

Chưa kể đến những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp của hành vi này trong vụ việc kể trên, hành vi này đã có chế tài nghiêm ngặt ban hành tại Điều 238 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai: “Khoan, đào thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép”.

Theo đó hình phạt có thể lên đến 300.000.000 đồng và phạt tù lên tới 2 năm, ngoài ra còn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân chịu thiệt hại về người và tài sản nếu như mối liên hệ trực tiếp được điều tra và khẳng định.

Bên cạnh đó, vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trước nạn cát tặc lộng hành dưới chân cầu Phong Châu cũng cần được đề cao để ổn định trật tự xã hội, đặc biệt trong thời điểm đất nước phải đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình tái kiến tạo thiệt hại do bão lũ.

Lời kết:

Địa hình Việt Nam bám biển với nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt trên lãnh thổ đất liền, số lượng và nhu cầu sử dụng công trình cầu đường giao thông do đó cũng không nhỏ. Sự cố tại cầu Phong Châu thực sự đã làm dấy lên nhiều lo lắng trong người dân đặc biệt là trong thời ký mưa lũ.

Để tránh sự cố lặp lại, việc Nhà nước ban hành quy định pháp luật chặt chẽ và tổ chức triển khai hiệu quả để đảm bảo an toàn cho người dân và nhiệm vụ cấp thiết, cần được nghiêm túc triển khai và phối hợp bởi các bộ, ban, ngành cũng như sự tích cực chấp hành, hỗ trợ của nhân dân.

[1] Báo Hải Dương

[2] Căn cứ khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, người mất tích 03 năm có thể được tuyên bố là đã mất.

[3] Báo Công thương

[4] Báo Công thương

Bài viết bởi Hãng luật MIBI.

Cập nhật thêm các bài viết quan trọng có tính thời sự của Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY.