Nếu một người bị thu hồi đất đã nhận được bồi thường bằng tiền, bằng đất thì tiền và đất được bồi thường đương nhiên là di sản thừa kế khi người đó chết đi. Vấn đề đặt ra là nếu người đó mới chỉ nhận được Quyết định của Nhà nước về các giá trị bồi thường trên mà chưa được nhận tiền/đất trên thực tế thì các giá trị này có phải là di sản thừa kế không?

1. Áp dụng Án lệ 34/2020/AL để giải quyết vấn đề trên

Vấn đề trên có xuất hiện nhiều tình tiết tương tự với Quyết định giám đốc thẩm số 58/2018/GĐT-DS ngày 27/9/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” tại tỉnh Vĩnh Phúc. Quyết định này đã được Tòa án nhân dân tối cao phát triển thành nguồn của pháp luật và xây dựng thành Án lệ số 34/2020/AL.

Nếu vụ việc của quý bạn đọc thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Quyền sử dụng đất do cá nhân tạo lập hợp pháp
  • Khi cá nhân đó còn sống, Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất
  • Việc thu hồi đất thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường

Mà người để lại di sản thừa kế mới chỉ nhận được Quyết định của Nhà nước về các giá trị bồi thường, nhưng chưa được nhận tiền/đất trên thực tế thì các giá trị này vẫn được coi là di sản thừa kế. Và cá nhân đó có quyền lập di chúc để lại di sản cho hàng thừa kế hợp pháp.

Các lập luận trên MIBI đã phân tích dựa theo Án lệ số 34/2020/AL bởi án lệ cũng giải quyết theo hướng: quyền sử dụng đất đã bị thu hồi nhưng giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi vẫn được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai nên người có đất vẫn có quyền lập di chúc định đoạt tài sản cho người thừa kế.

bồi thường - thu hồi đất

Quyền lợi bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất có thể là di sản thừa kế (Nguồn ảnh: Internet)

2. Giới thiệu ngắn gọn Án lệ số 34/2020/AL

Nội dung Án lệ số 34/2020/AL:

“Ngoài ra, di sản của cụ D, cụ C để lại là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 38, Tờ bản đồ số 13 đã bị thu hồi theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21-7-2010 của Ủy ban nhân dân thành phố V nhưng giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi vẫn được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất nên hai cụ có quyền lập di chúc định đoạt tài sản trên cho ông D1.

Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào Bản án số 45/2009/DS-PT ngày 22-5-2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (trong khi tại bản án phúc thẩm này Hội đồng xét xử chỉ tuyên hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án) để xác định tại thời điểm cụ D lập di chúc, di sản là một phần tài sản (bất động sản tại thửa số 38, Tờ bản đồ số 13) không còn nữa là chưa chính xác. 

Do đó, khi giải quyết lại vụ án cần xem xét đồng thời giá trị pháp lý của hợp đồng mua bán nhà, đất giữa ông Trần Văn Y với cụ Nguyễn Thị C và tính hợp pháp của bản di chúc do cụ D, cụ C lập cũng như Văn bản công bố di chúc mới giải quyết triệt để vụ án và bảo đảm quyền, lợi ích của các đương sự.”

Nội dung Án lệ số 34/2020/AL chỉ ra rằng: di sản của cụ D và cụ C để lại là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 38, Tờ bản đồ số 13 đã bị thu hồi theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21-7-2010 của Ủy ban nhân dân thành phố V nhưng giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi vẫn được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai nên hai cụ có quyền lập di chúc định đoạt tài sản trên cho ông D1.

Án lệ đã gián tiếp khẳng định giá trị bồi thường khi đất bị thu hồi là tài sản (quyền tài sản được pháp luật ghi nhận), điều này chưa được thể hiện rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong trường hợp cần tư vấn cụ thể về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, vui lòng liên hệ Hãng luật MIBI để được đồng hành, hỗ trợ.

Theo dõi Hãng luật MIBI trên Fanpage và Youtube để cập nhật các thông tin pháp luật hữu ích khác.

Bài viết bởi Hãng luật MIBI.