Trước tình hình cơn bão Yagi gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhân lực và vật lực của Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã chủ động chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão với tinh thần bám sát tình hình thực tế, phản ứng đúng, trúng, nhanh, phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ giữa các hệ thống chính quyền. Điều này thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong công tác khắc phục hậu quả sau bão, nhằm giúp người dân và Doanh nghiệp ổn định tình hình, khôi phục sản xuất, kinh doanh và bình ổn giá cả.
Bài viết này, Hãng luật MIBI sẽ làm rõ những nội dung mà Nhà nước đã thực hiện để có thể đảm bảo bình ổn giá sau bão Yagi, từ đó đưa ra những quyền lợi mà Doanh nghiệp được hưởng từ sự hỗ trợ của Nhà nước sau cơn bão Yagi.
1. Vai trò của Nhà nước trong việc bình ổn giá cả sau bão Yagi
Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc khắc phục hậu quả sau khi cơn bão Yagi đi qua. Những tuyến giao thông bị đứt gãy do sạt lở, các đợt lũ quét, các nguồn hàng khó tiếp cận đến những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão, người dân đổ xô đi mua đồ tích trữ khiến giá cả bị tăng đột biến do cầu vượt quá cung.
Cơn bão cũng gây thiệt hại làm ảnh hưởng đến các Doanh nghiệp, khiến các Doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và điều này dẫn đến một thực trạng bất bình ổn giá. Muốn bình ổn giá, căn cốt là Nhà nước phải can thiệp và hỗ trợ để các Doanh nghiệp quay trở lại sản xuất một cách ổn định và sớm nhất.
1.1 Vai trò hỗ trợ dân sinh, phục hồi sản xuất
Về nguyên tắc thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai, Nhà nước ưu tiên hỗ trợ dân sinh, phục hồi sản xuất và phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch cũng như đúng đối tượng. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại, nhanh chóng phục hồi sản xuất.
(Căn cứ Nghị định 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020)
1.2 Vai trò quản lý, phân phối tiền hàng cứu trợ khẩn cấp
Tính đến hết 15/09/2024, Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận 1.094 tỷ tiền ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão Yagi. Mặt trận tổ quốc đã phân bổ lần 1 cho 20 địa phương là 385 tỷ đồng tính đến hết 15/09/2024. Điều này đảm bảo Nhà nước đã thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ khẩn cấp của Nhà nước, tổ chức và cộng đồng để ổn định đời sống, phục hồi sản xuất và khắc phục hậu quả thiên tai.
(Căn cứ điểm i, k khoản 1 Điều 43 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020)
1.3 Vai trò thống kê, đánh giá thiệt hại sau bão Yagi
Việc thực hiện tốt trách nhiệm thống kê, đánh giá thiệt hại sau bão Yagi từ phía Nhà nước nhằm xây dựng thành báo cáo tổng hợp, phục vụ công tác điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão. Đây là việc làm cần thiết nhằm cung cấp thông tin chính xác giúp Nhà nước và các cơ quan chức năng có các biện pháp hỗ trợ kịp thời, phân bổ nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, cân bằng. Điều này sẽ giúp các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề được quan tâm hơn, giúp cho các Doanh nghiệp nhanh chóng ổn định và phục hồi sản xuất.
(Căn cứ Điều 15 Nghị định 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020)
1.4 Trách nhiệm cung ứng, phân phối kịp thời hàng hóa thiết yếu
Nhà nước có trách nhiệm trong việc cung ứng, phân phối kịp thời hàng hóa thiết yếu tại các địa phương nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, trách nhiệm này sẽ bảo đảm thị trường không bị khan hàng, tăng giá đột biến nhất là các tỉnh miền núi bị chia cắt bởi bão Yagi và mưa lũ sau bão.
(Căn cứ Điều 18 Nghị định 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020)
1.5 Tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá
Vai trò của nhà nước cũng được thể hiện trong Công điện mà Bộ Tài Chính vừa ban hành nhằm đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão Yagi. Công điện nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng kinh tế do khan hiếm một số mặt hàng cơ bản bởi ảnh hưởng từ bão Yagi, ảnh hưởng trực tiếp tới nhân dân.
(Căn cứ Công điện số 02/CĐ-BTC và Công điện số 03/CĐ-BTC về việc khắc phục thiệt hại và các sự cố do bão số 3 gây ra)
2. Quyền lợi mà Doanh nghiệp được hưởng từ sự hỗ trợ của Nhà nước sau cơn bão Yagi
Theo báo cáo nhanh của các tổ chức tín dụng, tổng số dư nợ là rất lớn, như Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, có gần 6.000 khách hàng của ngân hàng này bị ảnh hưởng bởi bão lũ với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Vietinbank cũng cung cấp thông tin số dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng… Từ đó, việc được hưởng sự hỗ trợ từ Nhà nước là điều rất cần thiết để Doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.
2.1 Hưởng các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí
Nhà nước đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đối với các tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ. Yêu cầu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát để kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để doanh nghiệp có điều kiện khôi phục và sản xuất kinh doanh
(Căn cứ theo Công điện 92/CĐ-TTg tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão).
Hàng loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch hỗ trợ, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Điển hình, Vietcombank đã xem xét giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến 31/12/2024 đối với khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Ngoài các ngân hàng thương mại nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như MSB, ACB, VPBank cũng nhanh chóng vào cuộc giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp.
2.2 Có thể nằm trong đối tượng được lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro
Đứng trước thiệt hại nặng nề chưa thể khắc phục, việc đủ điều kiện lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro do bão Yagi gây ra là rất cần thiết và là một quyền lợi đối với Doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã có Công điện về việc tổ chức phòng chống Cơn bão số 3, nội dung chính yêu cầu Giám đốc Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố nơi cho vay phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ và thực hiện đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định.
(Căn cứ theo Công điện 5676/CĐ-NHCS về việc tổ chức phòng chống cơn bão số 3).
2.3 Hưởng các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế hỗ trợ tổ chức, Doanh nghiệp
Các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do bão Yagi và mưa lũ sau bão cũng đã được Tổng cục Thuế ban hành yêu cầu các Cục Thuế các tỉnh, thành phố nơi có tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão Yagi và mưa lũ sau bão gây ra, triển khai việc hướng dẫn người nộp thuế, các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, chính sách thuế hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp bị tổn thất do bão số 3 và mưa lũ sau bão.
(Căn cứ theo Công văn số 4062/TCT-CS hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do Bão số 3 và mưa lũ sau bão).
3. Lời khuyên pháp lý cho Doanh nghiệp
Mặc dù được Nhà nước đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để giải quyết các khó khăn hiện tại, nhưng các Doanh nghiệp cần chủ động trong các vấn đề và tránh trục lợi hay phụ thuộc vào các chính sách của Nhà nước nhằm thực hiện mục đích xấu, dẫn tới nhiều hệ lụy.
Các Doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo trả lương đúng hạn cho người lao động, có thể chậm trả lương vì lý do không lường trước được như bão lũ, nhưng thời gian chậm trả không được quá 30 ngày, nếu chậm trả từ 15 ngày trở lên, người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động một số tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền bị chậm trả ( theo khoản 4, Điều 97 Bộ luật Lao động 2019).
Các Doanh nghiệp cũng cần nắm rõ các quy định về xử lý nợ rủi ro, xem mình có đủ điều kiện thực hiện không và có nằm trong đối tượng bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan theo Điều 5 Quyết định 50/2010/QĐ-TTg (được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Quyết định 08/2021/QĐ-TTg) hay không.
Bài viết trên đã làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong vấn đề khắc phục hậu quả do bão Yagi mà Doanh nghiệp được hưởng. Hãng luật MIBI hi vọng rằng lời khuyên pháp lý của chúng tôi sẽ cung cấp thêm kiến thức pháp lý cho Doanh nghiệp, giúp Doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này và phục hồi sản xuất.
Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu hơn, vui lòng liên hệ Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.
Cập nhật thêm các bài viết quan trọng có tính thời sự của Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY.