Bạo lực gia đình là hành vi diễn ra ngay trong gia đình – nơi vốn được xem là tổ ấm, nơi mỗi người cảm thấy bình yên khi trở về. Có nhiều người vẫn phải sống trong đau khổ và sợ hãi ngay trong chính căn nhà của mình vì bị bạo hành bởi những người thân yêu. Trong trường hợp này, bạn cần làm gì để bảo vệ bản thân?
Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp cho Quý bạn đọc.
1. Bạo lực gia đình là gì?
Bạo lực gia đình được hiểu là hành vi cố ý của thành viên nhằm gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Bạo lực gia đình được thể hiện qua những hành vi sau:
– Hành vi cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng (đánh đập, đe dọa…).
– Hành vi cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm (lăng mạ, chì chiết…).
– Không quan tâm, chăm sóc, ngăn cản thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh, chị, em với nhau.
– Cưỡng ép thực hiện các hành vi:
- Quan hệ tình dục; tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
- Mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
- Cướp, hủy hoại tài sản gia đình;
- Rời khỏi chỗ ở hợp pháp;
- Học tập, làm việc quá sức, đóng góp tài chính vượt quá khả năng;
- Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
- Chứng kiến bạo lực gây áp lực tâm lý.
- Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính.
(Căn cứ tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 16 tháng 5 năm 2024).
2. Tình huống pháp lý
Chị Nguyễn Thu T ở Hà Nội chia sẻ: Tôi kết hôn được 10 năm. Những năm đầu, cuộc sống gia đình hạnh phúc, nhưng từ năm thứ 7 trở đi, chồng tôi bắt đầu thay đổi. Ngoài giờ làm việc, chồng tôi thường xuyên tìm tới các chiếu bạc để “giải khuây”. Mỗi khi thua, anh ấy lại trút giận rồi đánh đập tôi. Sau nhiều năm chịu đựng, tôi không thể tiếp tục được nữa. Nếu anh ấy vẫn tiếp tục đánh đập tôi thì tôi phải làm gì để tố cáo hành vi bạo lực gia đình?
Trường hợp của chị T là một tình huống khá phổ biến và đáng lo ngại. Theo khoản 1 Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, chị T có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền can thiệp. Cụ thể:
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.
– Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc với người bạo lực.
– Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại tài sản.
– Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật.
– Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh.
– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi liên quan đến bạo lực gia đình.
Trong trường hợp này, khi bị bạo lực gia đình, chị T cần thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, cơ quan tiếp nhận tin báo bao gồm:
– Công an gần nhất;
– Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực.
Khi báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, chị T có thể thực hiện theo hình thức sau:
– Gọi điện, nhắn tin;
– Gửi đơn, thư;
– Trực tiếp báo tin.
Dưới đây, Hãng luật MIBI liệt kê một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mà chị T có thể liên hệ khi bị bạo lực gia đình:
3. Lời khuyên pháp lý
Nếu bạn hoặc ai đó đang gặp phải tình trạng bạo lực gia đình, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia pháp lý. Việc tham vấn với một luật sư chuyên môn có thể giúp bạn hiểu rõ quyền lợi và cách thức bảo vệ bản thân trong trường hợp này.
Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ!
Bài viết bởi TTS. Nguyễn Thị Hằng
Tham khảo thêm các bài viết về chủ đề Hôn nhân và Gia đình TẠI ĐÂY và đừng quên theo dõi Hãng luật MIBI tại các nền tảng: Facebook, Youtube để cập nhật các thông tin pháp luật hữu ích.