Từ ngày 28/02/2025, Nghị định 49/2025/NĐ-CP quy định chi tiết về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh chính thức có hiệu lực pháp luật.
Trong phạm vi bài viết này, Hãng luật MIBI sẽ phân tích và làm rõ các quy định liên quan đến ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh, nhằm giúp cơ quan, tổ chức và cá nhân hiểu rõ, tuân thủ các nghĩa vụ thuế, cũng như giảm thiểu rủi ro khi có nhu cầu ra nước ngoài.
1. Xuất cảnh là gì?
Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
(Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019)
2. Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế
Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 50 triệu đồng trở lên và quá thời hạn nộp theo quy định (trên 120 ngày).
Trường hợp 2: Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên và quá thời hạn nộp theo quy định (trên 120 ngày).
Trường hợp 3: Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, hoặc cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký mà có khoản nợ thuế và không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế (sau 30 ngày kể từ khi cơ quan quản lý thuế đã thông báo về việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh).
Trường hợp 4: Người Việt Nam ra nước ngoài để định cư, người Việt Nam đã định cư ở nước ngoài, hoặc người nước ngoài khi xuất cảnh từ Việt Nam có nợ thuế và chưa nộp thuế theo thời hạn quy định (quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp).
Như vậy, có hai thông tin Quý bạn đọc cần lưu tâm khi có ý định xuất cảnh: (1) có đang nợ thuế hay không và số tiền nợ thuế là bao nhiêu và (2) thời gian nợ thuế đã vượt quá quy định hay chưa.
(Căn cứ pháp lý: Điều 3 Nghị định 49/2025/NĐ-CP, khoản 1 Điều 124 Luật Quản lý thuế 2019)
3. Phương thức thông báo việc tạm hoãn/hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh?
Cá nhân, cơ quan, tổ chức (người nộp thuế) có thể nhận thông báo tạm hoãn xuất cảnh từ cơ quan quản lý thuế thông qua phương thức:
(1) Gửi bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử của người nộp thuế;
(2) Thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
(Căn cứ pháp lý: Điều 4 Nghị định 49/2025/NĐ-CP)
4. Lời khuyên pháp lý
Nghị định 49/2025/NĐ-CP được ban hành nhằm tăng cường tuân thủ pháp luật về thuế và ngăn chặn hành vi trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, Nghị định này cũng góp phần bảo vệ lợi ích chung, duy trì công bằng và trật tự xã hội.
Để tránh bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh và đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, các cá nhân, cơ quan, tổ chức nên chủ động thanh toán các khoản nợ thuế đúng hạn, đặc biệt là lưu ý không để quá thời hạn nộp thuế theo quy định.
Nếu cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý xin vui lòng liên hệ với MIBI LAW TẠI ĐÂY để được tư vấn giải pháp toàn diện và hiệu quả. xuất khẩu xuất khẩu xuất khẩu
Mời bạn theo dõi Fanpage và Youtube của chúng tôi để cập nhật các thông tin pháp luật mới nhất.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.