Hãng luật MIBI nhận được tình huống pháp lý về việc xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được thể hiện trong di chúc hợp pháp; nội dung di chúc có xác định tứ cận nhưng không thể hiện diện tích đất cụ thể, không có tranh chấp về tứ cận.

Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp câu hỏi cho Quý độc giả, đồng thời giới thiệu Án lệ số 72/2024/AL – căn cứ để áp dụng giải quyết trong tình huống này.

1. Tình huống pháp lý

Thưa luật sư, mẹ tôi mất có để lại di chúc. Di sản của mẹ tôi bao gồm 01 mảnh đất, 01 căn nhà và 01 chiếc xe máy. Tôi được chia 01 mảnh đất nằm trong khối di sản thừa kế của bà. Tuy nhiên, mảnh đất này lại không ghi diện tích đất cụ thể mà chỉ ghi cụ thể giáp ranh của mảnh đất với các thửa liền kề những mảnh đất của các hộ dân khác.

Vậy cho tôi hỏi, nếu diện tích của mảnh đất nói trên được đo đạc theo mô tả trong di chúc thì di sản thừa kế là quyền sử dụng đất có được xác định theo diện tích đo đạc này không?

2. Áp dụng Án lệ số 72/2024/AL để giải quyết tình huống

Vụ việc kể trên có xuất hiện nhiều tình tiết tương tự với Quyết định giám đốc thẩm số 60/2022/DS-GĐT ngày 19/12/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất (“Quyết định”). Quyết định này đã được các nhà lập pháp phát triển thành nguồn của pháp luật và xây dựng thành Án lệ số 72/2024/AL về xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất trong trường hợp di chúc không thể hiện diện tích đất cụ thể (“Án lệ số 72/2024/AL”).

Nếu vụ việc của bạn đọc thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Di sản thừa kế là quyền sử dụng đất;
  • Di chúc hợp pháp không ghi diện tích đất cụ thể của di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, chỉ thể hiện được đầy đủ các mặt giáp ranh của khu đất;
  • Không có tranh chấp về các mặt giáp ranh của khu đất;
  • Tại thời điểm lập di chúc, các đồng thừa kế không có ý kiến phản đối.

Thì Tòa án có thể áp dụng Án lệ số 72/2024/AL để giải quyết theo hướng: Trên cơ sở các thông tin mà Quý bạn đọc cung cấp, việc xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được xác định theo diện tích đo đạc thực tế nếu Tòa án chấp nhận số đo diện tích này được đo theo mô tả về tứ cận (mặt giáp ranh) với mảnh đất này.

3. Giới thiệu ngắn gọn Án lệ số 72/2024/AL

Nội dung Án lệ số 72/2024/AL:

“[4] Theo Tờ di chúc đề ngày 16/5/1998, cụ M và cụ B cho bà G diện tích đất là 15 công tầm lớn. Mặc dù di chúc không ghi diện tích đất cụ thể, chỉ ghi là 15 công tầm lớn nhưng có nếu tứ cận của khu đất: Mặt tiền giáp Kênh N, Đông (hậu) giáp Nguyễn Văn L1, Bắc giáp Lý Tùng H1, Tây giáp Quách Văn M2. Như vậy, phần đất bà G được cha, mẹ cho là đất có khuôn viên, xung quanh tiếp giáp với kênh N và đất của các hộ dân khác, hiện nay không có tranh chấp về tứ cận. Sau khi cụ M chết, tại Biên bản họp gia đình ngày 15/6/2004 và Tờ di chúc ngày 09/9/2006 cụ B đã thể hiện ý chí cho bà G toàn bộ diện tích 32.500m2 đất, điều này phù hợp với việc năm 1998 vợ chồng cụ M, cụ B lập di chúc cho bà G đất theo khuôn viên.

[5] Tờ di chúc đề ngày 16/5/1998 do cụ M và cụ B lập có chữ ký của các con (trong đó có ông U) và xác nhận của chính quyền địa phương; Biên bản họp gia đình ngày 15/6/2004, có chữ ký của các con (không có chữ ký của ông U) và xác nhận của chính quyền địa phương, Tờ di chúc để ngày 09/09/2006 có xác nhận của chính quyền địa phương thể hiện tại thời điểm lập di chúc và họp gia đình các con của cụ M, cụ B không ai có ý kiến phản đối việc hai cụ cho bà G toàn bộ phần đất tranh chấp, đều xác nhận do bà G sống chung với cha mẹ từ nhỏ nên cha, mẹ và các anh chị em thống nhất cho bà G quản lý đất để thờ phụng cha, mẹ. Riêng ông U cho rằng ông U được cụ M, cụ B tặng cho đất từ năm 1998 nên ngày 15/11/2000, ông U được Ủy ban nhân dân huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông U không xuất trình được chứng cứ chứng minh có việc cha mẹ tặng cho đất.

[8] Khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào nội dung của di chúc, biên bản họp gia đình, lời khai của các con cụ M, cụ B và quá trình quản lý, sử dụng đất liên tục từ năm 1998 của bà G cũng như việc kê khai, đăng ký đất từ đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà G, công nhận bà G được hưởng thừa kế đối với phần đất là di sản của cụ M, cụ B là có căn cứ.”

Nội dung của Án lệ số 72/2024/AL chỉ ra rằng: Tòa án phải xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được xác định theo diện tích đất đo đạc thực tế theo tứ cận thể hiện trong di chúc.

Trong trường hợp cần tư vấn cụ thể đối với các tranh chấp thừa kế, vui lòng liên hệ Hãng luật MIBI để được đồng hành, hỗ trợ.

Theo dõi Hãng luật MIBI trên Fanpage và Youtube để cập nhật các thông tin pháp luật hữu ích khác.

Bài viết bởi TTS Trương Thị Thu Hiền.