Ngày 30 tháng 7 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (“Nghị định 102/2024/NĐ-CP”). Nghị định này được ra đời nhằm mục đích triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (“Luật Đất đai 2024”).
Nghị định 102/2024/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực vào ngày 01 tháng 8 năm 2024. Tại bài viết dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ điểm qua một số điểm mới trong Nghị định 102/2024/NĐ-CP.
1. Một số điểm mới trong Nghị định 102/2024/NĐ-CP
1.1. Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp theo Luật Đất đai
Theo Điều 9 Luật Đất đai 2024, căn cứ vào mục đích sử dụng thì đất đai được phân loại bao gồm: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Từ đây, Nghị định 102/2024/NĐ-CP đã cụ thể hóa và quy định chi tiết các loại đất trong các nhóm đất theo Luật Đất đai lần lượt tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6.
Điểm đáng chú ý ở nhóm quy định này là lần đầu tiên xuất hiện loại “đất chăn nuôi tập trung” trong pháp luật đất đai Việt Nam. Cụ thể, khoản 5 Điều 4 quy định như sau: “Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi”.
Đây là quy định ra đời được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng hiện nay, nhiều chủ thể chăn nuôi có quy mô lớn song sử dụng đất với mục đích không phù hợp, gây ảnh hưởng đến vấn đề môi trường và sự thiếu đồng bộ về quy hoạch.
1.2. Xác định loại đất đối với trường hợp không có giấy tờ
Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2024 quy định rằng việc xác định loại đất cần thiết phải dựa trên một số các giấy tờ nhất định như: giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Như vậy, trong trường hợp không có giấy tờ quy định theo khoản 1 này thì việc xác định loại đất sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 102/2024/NĐ-CP. Cụ thể, khoản 1 Điều 7 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:
“Trường hợp không có giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai thì việc xác định loại đất căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất để xác định loại đất.”
1.3. Áp dụng công nghệ thông tin thực hiện thủ tục hành chính
Việc áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý đất đai đang là một điểm mới đáng quan tâm tại Nghị định 102/2024/NĐ-CP. Một trong những quy định điển hình trong nhóm quy định về hệ thống thông tin đất đai trong Nghị định này có thể kể đến là Điều 12 quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân được lựa chọn nộp hồ sơ theo phương thức sau:
“2. Phương thức nộp hồ sơ
…
d) Nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công cấp tỉnh hoặc hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ hoặc hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đối với trường hợp hồ sơ không yêu cầu nộp bản chính;”
Như vậy, có thể thấy tại Nghị định 102/2024/NĐ-CP, hệ thống phần mềm và các công cụ quản lý dữ liệu thông tin đã được triển khai đồng bộ. Qua đó, giúp cho quá trình thực hiện thủ tục hành chính của người dân được điều chỉnh một cách phù hợp hơn và cải thiện việc quản lý thông tin đất đai của nhà nước.
1.4. Cách xử lý khi nhà đầu tư không thỏa thuận được với người dân
Nghị định 102/2024/NĐ-CP đã quy định riêng một mục về sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, trong đó nổi bật với quy định mới về việc giải quyết trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với người sử dụng đất. Cụ thể:
- Trường hợp hết thời hạn phải hoàn thành việc thỏa thuận ghi trong văn bản chấp thuận mà nhà đầu tư chưa hoàn thành việc thỏa thuận: nhà đầu tư được xem xét gia hạn thêm 01 lần không quá thời gian phải hoàn thành việc thỏa thuận trong văn bản chấp thuận nếu nhà đầu tư có nhu cầu.
(Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 61 Nghị định 102/2024/NĐ-CP)
- Trường hợp đã hết thời hạn gia hạn mà vẫn chưa hoàn thành việc thỏa thuận hoặc nhà đầu tư không có nhu cầu gia hạn thì xử lý như sau:
– Nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh phạm vi dự án phù hợp với diện tích đã hoàn thành việc thỏa thuận và dự án đủ điều kiện được xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư thì UBND cấp tỉnh quyết định cho phép thực hiện dự án;
– Diện tích đã hoàn thành việc thỏa thuận không đáp ứng điều kiện để thực hiện dự án đầu tư thì việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất chấm dứt.;
– Trường hợp thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại điểm c khoản 1 Điều 127 Luật Đất đai và thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thì UBND cấp có thẩm quyền thực hiện thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư.
(Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 61 Nghị định 102/2024/NĐ-CP)
- Đối với việc xử lý diện tích đất nhà đầu tư đã hoàn thành việc thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất mà diện tích đã hoàn thành việc thỏa thuận không đáp ứng điều kiện để thực hiệc dự án đầu tư:
– Trường hợp thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, nhà đầu tư được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn còn lại hoặc được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
– Trường hợp thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại điểm c khoản 1 Điều 127 Luật Đất đai và thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá QSDĐ, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thì UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất để đấu giá QSDĐ, để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định. Diện tích mà nhà đầu tư đã thỏa thuận nhận QSDĐ được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ theo quy định;
– Trường hợp thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất bằng hình thức thuê đất mà không đáp ứng điều kiện để thực hiện dự án đầu tư thì hợp đồng thuê đất chấm dứt. Việc giải quyết quyền và nghĩa vụ giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Đây được xem là hành lang pháp lý mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất thông qua thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
2. Lời khuyên pháp lý
Tóm lại, Nghị định 102/2024/NĐ-CP ra đời không chỉ giúp hoàn thiện khung pháp lý về pháp luật đất đai Việt Nam, là công cụ pháp lý quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chứa, cá nhân trong việc thực hiện quyền sử dụng đất.
Bài viết trên đã tổng hợp một số điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 102/2024/NĐ-CP dành cho Quý bạn đọc. Hãng luật MIBI hy vọng đây sẽ là hành trang pháp lý vững chắc cho Quý bạn đọc đang tìm kiếm thông tin về pháp luật đất đai mới nhất. Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu hơn, vui lòng liên hệ chúng tôi TẠI ĐÂY.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.
Vui lòng theo dõi Website, Fanpage và kênh Youtube của Hãng luật MIBI để cập nhật các thông tin hữu ích khác..