Thương mại điện tử (e-commerce) hiện đang trở thành một hình thức kinh doanh được ưa chuộng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, các sàn thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok,… đã tạo nên môi trường kinh doanh rộng lớn cho các cá nhân, các thành viên hộ gia đình .
Trong phạm vi bài viết này, Hãng luật MIBI xin gửi tới Quý bạn đọc một số gợi ý về loại hình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phù hợp với cá nhân, thành viên hộ gia đình.
1. Các loại hình kinh doanh dành cho cá nhân, các thành viên hộ gia đình tham gia sàn thương mại điện tử
Cá nhân, các thành viên hộ gia đình khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có thể lựa chọn một trong 07 loại hình kinh doanh: (1) Hộ kinh doanh, (2) Doanh nghiệp tư nhân, (3) Công ty Hợp danh, (4) Công ty TNHH 1 thành viên, (5) Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, (6) Công ty Cổ phần, (7) Hợp tác xã.
Tùy thuộc vào quy mô, định hướng hoạt động, Quý bạn đọc có thể lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp.
2. Cá nhân, thành viên hộ gia đình nên lựa chọn loại hình kinh doanh nào?
Trong số các loại hình kinh doanh trên, hiện nay hộ kinh doanh (“HKD”) là loại hình có xu hướng được cá nhân, thành viên hộ gia đình lựa chọn nhiều nhất khi tham gia sàn thương mại điện tử.
Về HKD, “HKD do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ” (khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP). Đây là một trong những đặc trưng tiêu biểu của HKD so với các loại hình kinh doanh khác, khi chủ thể tham gia loại hình này chỉ có thể là cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình.
Một số ưu điểm nổi bật của HKD gồm:
– Về đăng ký kinh doanh, căn cứ theo khoản 1 Điều 87 và điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc đăng ký HKD được thực hiện tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện. Theo đó người nộp hồ sơ tiết kiệm được thời gian và công sức thay vì nộp tại Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) như khi đăng ký doanh nghiệp. Thủ tục đăng ký HKD cũng đơn giản hơn so với các loại hình khác.
– Về vốn kinh doanh, cá nhân, các thành viên hộ gia đình chủ động trong việc quyết định số vốn nằm trong khả năng của mình vì HKD không bắt buộc về số vốn tối thiểu khi thành lập.
– Về chế độ kế toán, căn cứ theo Điều 4 Thông tư 88/2021/TT-BTC quy định chứng từ kế toán, HKD có thể lập chứng từ kế toán thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hóa, thuận tiện trong quá trình sử dụng và lưu trữ.
– Về việc nộp thuế, khai thuế, căn cứ theo Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC, HKD có thể đóng thuế khoán hằng năm và không bắt buộc phải thực hiện khai thuế hàng tháng như doanh nghiệp. Điều này giúp cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký HKD giảm thiểu thời gian, chi phí, công sức trong việc khai thuế.
– Về chính sách ưu đãi về thuế, căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định cá nhân, thành viên hộ gia đình khi tham gia sàn thương mại điện tử có doanh thu không vượt quá 100 triệu đồng/năm thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
Như vậy, HKD được xem là loại hình kinh doanh tối ưu nhất dành cho cá nhân, các thành viên hộ gia đình tham gia sàn thương mại điện tử.
3. Lời khuyên pháp lý
Như vậy, đối với Quý bạn đọc là cá nhân, các thành viên hộ gia đình, Quý bạn đọc có thể cân nhắc lựa chọn loại hình hộ kinh doanh khi tham gia sàn thương mại điện tử. Trong trường hợp cần tư vấn cụ thể hơn về thủ tục đăng ký hoạt động, vốn, chế độ kế toán, chính sách thuế,… vui lòng liên hệ Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY để được đồng hành, hỗ trợ.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.
Tham khảo thêm các bài viết thuộc lĩnh vực Doanh nghiệp và Tổ chức kinh doanh khác TẠI ĐÂY.