Ngày 12/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 113/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã 2023. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2024. Trong phạm vi bài viết, Hãng luật MIBI sẽ chỉ ra một số điểm nổi bật được đề cập trong Nghị định 113/2024/NĐ-CP để Quý bạn đọc tham khảo, ứng dụng.

1. Quy định mới của Nghị định 113/2024/NĐ-CP về Luật hợp tác xã
1.1. Phân loại hợp tác xã

Điểm nổi bật của Nghị định 113/2024/NĐ-CP là vấn đề phân loại hợp tác xã. Nghị định 113/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm nội dung phân loại hợp tác xã, nội dung mà trước đó trong Nghị định cũ số 193/2013/NĐ-CP trước đó chưa từng quy định.

  • Về lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã:

Phân theo lĩnh vực, hợp tác xã sẽ được phân loại thành 04 nhóm căn cứ vào các ngành kinh tế được xác định theo quy định của pháp luật về thống kê gồm: (1) lĩnh vực nông nghiệp; (2) lĩnh vực công nghiệp – xây dựng; (3) lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; (4) lĩnh vực thương mại – dịch vụ và lĩnh vực khác.

  • Về quy mô hợp tác xã:
Nghị định 113/2024/NĐ-CP

Phân loại quy mô hợp tác xã theo Nghị định 113/2024/NĐ-CP

Trường hợp hợp tác xã thỏa mãn các tiêu chí phân loại quy mô hợp tác xã ở nhiều mức khác nhau thì quy mô hợp tác xã được xác định theo mức quy mô lớn nhất.

(Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 18; Điều 84 Luật Hợp tác xã 2023, Điều 5 Nghị định 113/2024/NĐ-CP)

Với việc phân loại một cách cụ thể, chi tiết như trên, Hãng luật MIBI hi vọng tới đây sẽ có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cụ thể tương ứng với từng quy mô hợp tác xã.

1.2. Cụ thể hóa các chính sách về hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
  • Nghị định 113/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm tiêu chí thu hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong khi trước đó Nghị định cũ không có quy định.

Một số tiêu chí để thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước gồm:

(1) Không trong thời gian thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính do vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm;

(2) Đáp ứng một trong các tiêu chí tại thời điểm nộp đăng ký nhu cầu hỗ trợ:

–    Số lượng thành viên tăng trong 02 năm liên tiếp liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ;

–    Tỷ lệ giá trị giao dịch nội bộ tăng trong năm trước liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ;

–    Tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia cao hơn so với mức quy định tối thiểu trong năm trước liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ, cụ thể không thấp hơn 5% đối với hợp tác xã và không thấp hơn 10% đối với liên hiệp hợp tác xã;

–    Tăng giá trị tài sản chung không chia trong năm trước liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ;

–    Có ít nhất 5% tổng số thành viên, người lao động được tham gia các lớp giáo dục, đào tạo, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự tổ chức hoặc do các cơ quan, đoàn thể, tổ chức khác tổ chức và đã được cấp chứng nhận tham gia khóa học hoặc có danh sách thành viên, người lao động tham gia khóa học có đóng dấu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. tính đến thời điểm năm trước liền kề với năm nộp đơn đăng ký nhu cầu hỗ trợ.

(3) Trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đăng ký thụ hưởng khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước có giá trị từ 03 tỷ đồng trở lên thì phải báo cáo tài chính năm trước liền kề đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập tại thời điểm nộp đơn đăng ký hỗ trợ.

(Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 18; Điều 84 Luật Hợp tác xã 2023, Nghị định 113/2024/NĐ-CP)

  • Nghị định mới đã có riêng 01 Điều thể hiện quy định về Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, trong đó nêu cụ thể về đối tượng hỗ trợ; nội dung hỗ trợ; kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, nhìn lại Nghị định cũ thì chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chỉ nằm trong 01 khoản nhỏ và chỉ quy định chung chung là Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đối với các cán bộ quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên hợp tác xã chứ chưa có sự rõ ràng như Nghị định mới. Cụ thể như sau:

–    Về đối tượng hỗ trợ: bổ sung thêm cơ sở giáo dục đại học có triển khai nội dung về đào tạo kinh tế tập thể; cơ sở đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng quản lý nhà nước;

–    Về nội dung hỗ trợ: hỗ trợ kinh phí biên soạn, xây dựng, phát hành chương trình, giáo trình; hỗ trợ kinh phí xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo để nâng cao năng lực cán bộ; hỗ trợ chi phí, đi lại, ăn, ở cho thành viên, người lao động trong các khóa tập huấn, bồi dưỡng; lương, thưởng; hợp tác quốc tế;

–    Về kinh phí hỗ trợ từ ngân sách: ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí chi trả học phí, tài liệu học tập; hỗ trợ kinh phí ăn, ở cho học văn; khóa học tập nước ngoài được Nhà nước hỗ trợ như đối với cán bộ, công chức, viên chức.

(Căn cứ Điều 7 Nghị định 113/2024/NĐ-CP)

  • Nghị định 113/2024/NĐ-CP cũng bổ sung thêm quy định về Chính sách hỗ trợ thông tin, trong đó có đầy đủ các nội dung về đối tượng hỗ trợ, nội dung hỗ trợ; kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Cụ thể các thông tin liên quan đến tổ hợp tác xã, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sẽ được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về hợp tác xã, Cổng thông tin này được tích hợp dữ liệu để cung cấp thông tin hỗ trợ cho các mô hình trên để phục vụ nhu cầu tra cứu. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ tối đã 100% kinh phí thực hiện chính sách cho việc hỗ trợ thông tin nêu trên.

(Căn cứ Điều 8 Nghị định 113/2024/NĐ-CP)

  • Quy định mới về Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro

Quy định này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho hợp tác xã, cụ thể Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ phần chi phí kiểm toán mà hợp tác xã đã thực hiện thuê tổ chức kiểm toán độc lập để thực hiện báo cáo tài chính năm trước liền kề; Nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí cho tổ chức đại diện của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam trong việc thực hiện đánh giá rủi ro, các vấn đề phải tư vấn…

(Căn cứ Điều 15 Nghị định 113/2024/NĐ-CP)

2. Lời khuyên pháp lý

Các thành viên hợp tác xã cần lưu ý về các quy định phân loại hợp tác xã trong Nghị định mới, cần nắm chắc được lĩnh vực hoạt động và tiêu chí phân loại quy mô hợp tác xã bởi mỗi lĩnh vực hoạt động thì quy mô hợp tác xã sẽ có những tiêu chí về số lượng thành viên và tiêu chí doanh thu hoặc tổng nguồn vốn khác nhau.

Bên cạnh đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cần lưu ý các tiêu chí mà Nhà nước đã quy định để có thể được các hưởng chính sách hỗ trợ hiệu quả nhất.

Trên đây, Hãng luật MIBI đã tổng hợp một vài điểm mới nổi bật của Nghị định 113/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã. Trường hợp cần tư vấn cụ thể hơn, vui lòng liên hệ với chúng tôi TẠI ĐÂY để được đồng hành, hỗ trợ.

Bài viết bởi Hãng luật MIBI

Vui lòng tham khảo các bài viết về lĩnh vực Doanh nghiệp TẠI ĐÂY và cập nhật các quy định pháp luật mới nhất cùng Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY.