“Phông bạt” là một từ lóng nhằm chỉ hiện tượng làm giả biên lai chuyển khoản và được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian gần đây, . Nguồn cơn của tiếng lóng này bắt đầu từ việc có nhiều đối tượng làm giả biên lai chuyển khoản ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi và đăng tải các biên lai giả này trên mạng xã hội.
Sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê từ thiện, việc làm giả biên lai chuyển khoản này đã được phanh phui, làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng. Ngày 02/10/2024, Bộ Công an đã có phản hồi về chế tài xử lý đối với những cá nhân có hành vi “phông bạt”, sửa chữa, làm giả biên lai chuyển khoản để đăng tải lên mạng.
Bài viết dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ làm rõ các mức xử phạt mà tổ chức, cá nhân có thể phải đối mặt khi thực hiện hành vi này.
1. Quy định pháp luật
1.1. Hành vi sửa chửa, làm giả biên lai chuyển khoản được hiểu như thế nào?
Hành vi sửa chửa, làm giả biên lai chuyển khoản được hiểu là hành vi thay đổi, làm sai lệch hoặc tạo ra các thông tin giả nhằm mục đích lừa đảo hoặc trục lợi cá nhân. Hành vi này bao gồm:
- Sửa chữa biên lai thật bằng cách thay đổi thông tin trên biên lai gốc như số tiền, ngày tháng, tên người nhận… nhằm mục đích làm sai lệch sự thật.
- Làm giả biên lai bằng việc tạo ra biên lai không có thật nhằm chứng minh một giao dịch tài chính đã xảy ra, dù thực tế không có giao dịch nào như vậy.
Hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
1.2. Chế tài đối với hành vi sửa chữa, làm giả biên lai chuyển khoản
1.2.1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sửa chữa, làm giả biên lai chuyển khoản
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi làm giả biên lai chuyển tiền đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là:
– Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đối với người thực hiện hành vi làm giả biên lai chuyển tiền.
– Đối với tổ chức: Phạt tiền 10 triệu đến 20 triệu đối với hành vi làm giả biên lai chuyển tiền.
(Căn cứ tại Điều 101 Nghị đỊnh số 15/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử)
1.2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sửa chữa, làm giả biên lai chuyển khoản
- Tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ nếu có hành vi sửa biên lai chuyển tiền từ thiện để đăng lên mạng xã hội, gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, gây ra dư luận xấu. Cụ thể:
– Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu hành vi này xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với hành vi ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Tổ chức, cá nhân bị xử lý hình sự với tội danh Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản nếu có hành vi nhận chuyển tiền từ thiện hộ người khác mà chỉnh sửa biên lai chuyển khoản. Mức hình phạt này sẽ căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt, cụ thể:
– Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ từ 06 tháng đến 03 năm đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản.
– Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm đối với hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 trở lên.
- Cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tham ô tài sản trong trường hợp cá nhân thuộc tổ chức, chỉnh sửa biên lai chuyển tiền của tổ chức để chiếm đoạt tài sản. Tùy theo số tiền chiếm đoạt mà phải chịu các khung hình phạt khác nhau, trong đó mức hình phạt cao nhất tử hình, cụ thể:
– Phạt từ từ 02 năm đến 07 năm đối với cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
– Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
– Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm đối với cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1000.000.000 đồng.
– Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trị giá từ 1000.000.000 đồng trở lên.
(Căn cứ Điều 175, Điều 331, Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015)
2. Lời khuyên pháp lý
Hành vi sửa biên lai chuyển tiền từ thiện ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của cộng đồng đối với hoạt động từ thiện. Liên quan đến vấn đề này, Hãng luật MIBI có một số lưu ý đến quý bạn đọc.
- Tổ chức và cá nhân cần nhận thức sâu sắc về hậu quả pháp lý từ hành vi làm giả biên lai chuyển khoản. Khi tham gia vào các hoạt động từ thiện, cần tìm hiểu các quy định pháp luật để giảm thiểu rủi ro pháp lý.
- Cần công khai thông tin về các khoản đóng góp, sử dụng quỹ từ thiện minh bạch.
- Nếu phát hiện hành vi làm giả biên lai hoặc lạm dụng trong hoạt động từ thiện, cần báo cáo với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
Bộ Công an đưa ra thông báo hình thức xử phạt về xử lý hành vi sửa chữa biên lai chuyển khoản nhằm ngăn chặn các hành vi trục lợi từ lòng tốt cộng đồng, đồng thời giúp tổ chức, cá nhân nhận thức được hậu quả nghiêm trọng mà họ có thể phải đối mặt. Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.
Link bài viết phản hồi của Bộ Công an.
Cập nhật thêm các bài viết quan trọng có tính thời sự của Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY.