Trong thời gian gần đây, giả mạo trang thông tin điện tử của các cá nhân, tổ chức là một hành vi ngày càng phổ biến, đa dạng và ngày càng tinh vi hơn, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều chủ thể.
Vậy hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý như thế nào? Trong phạm vi bài viết dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giúp Quý bạn đọc giải đáp thắc mắc này.
1. Hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân là gì?
Hiện nay, pháp luật an ninh mạng Việt Nam chưa có quy định cụ thể định nghĩa về hành vi giả mạo trang thông tin điện tử. Vậy nên, tùy thuộc vào từng góc độ nhìn nhận mà quan điểm của các nhà khoa học về hành vi này cũng sẽ có nhiều nét khác biệt.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi giả mạo trang thông tin điện tử được hiểu là hành vi lập trang thông tin có chứa các nội dung mạo danh tổ chức, cá nhân khác dưới dạng văn bản, chữ số, âm thanh, hình ảnh… Hành vi giả mạo trang thông tin điện tử (hay còn gọi là website) nhắm đến nhóm người sử dụng Internet và khiến họ nhầm lẫn trong quá trình xác thực thông tin, thực hiện giao dịch trên không gian mạng. Qua đó, các đối tượng này có thể đạt được mục tiêu là chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt thông tin cá nhân…
2. Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân
Theo pháp luật về an ninh mạng Việt Nam, những cá nhân nào có hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, hình thức xử phạt được áp dụng đối với mỗi cá nhân sẽ có sự khác biệt tùy vào tính chất và mức độ thực hiện hành vi của người đó.
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính
- Phạt tiền
Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, đối với hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị “phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng”.
Đồng thời, theo khoản 3 Điều 4 Nghị định này: “Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.”
Từ các quy định trên, mức phạt tiền với từng đối tượng có hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác như sau:
- Tổ chức có hành vi giả mạo trang thông tin điện tử có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
- Cá nhân có hành vi giả mạo trang thông tin điện tử có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
- Xử phạt bổ sung
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác (căn cứ khoản 4 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
- Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân (căn cứ điểm a khoản 5 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
- Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân (căn cứ điểm b khoản 5 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Khi thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ theo tính chất và mức độ vi phạm để xử lý hành vi giả mạo website như sau:
- Đối với hành vi giả mạo trang thông tin điện tử nhằm mục đích đánh cắp quyền truy cập tài khoản, đánh cắp dữ liệu, thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xét vào tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự như sau:
– Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm;
– Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm;
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
- Đối với hành vi giả mạo website nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xét vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự như sau:
– Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm;
– Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân;
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2.3. Trách nhiệm dân sự
Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân là hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị thiệt hại. Theo đó, trong trường hợp hành vi giả mạo trang web gây thiệt hại thì người thực hiện hành vi này phải chịu trách nhiệm khắc phục những hậu quả xấu xảy ra bằng tài sản của mình. Trách nhiệm dân sự trong trường hợp này bao gồm các biện pháp như sau:
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
3. Lời khuyên pháp lý
Trên thực tế, có thể thấy các trang web giả mạo xuất hiện ngày càng nhiều và trải dài trên mọi lĩnh vực của đời sống. Do đó, khi tổ chức, cá nhân phát hiện ra một trang thông tin điện tử nào đó giả mạo bản thân thì họ thường sẽ mang tâm lý hoang mang và lo sợ.
Nếu Quý bạn đọc gặp phải tình huống này, hãy bình tĩnh thực hiện các biện pháp xử lý tạm thời: báo cáo cho ban quản lí và báo cáo những trang web giả mạo lừa đảo đến các cơ quan chức năng như Thanh tra Sở Thông tin truyền thông, Thanh tra Sở Công thương, Cục phòng chống Tội phạm Công nghệ cao. Trường hợp cần tư vấn cụ thể, vui lòng liên hệ Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY.
Bài viết trên đây là tất cả những thông tin quan trọng nhất về các quy định khi xử lý vụ việc giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân mà người dùng không gian mạng cần nắm rõ. Hãng luật MIBI hy vọng bài viết sẽ trở thành hành trang pháp lý vững chắc cho Quý bạn đọc.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.
Tham khảo thêm các bài viết của chúng tôi TẠI ĐÂY.