Ngày 16/5/2024, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình. Nghị quyết này gồm 12 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. Trong phạm vi bài viết, Hãng luật MIBI sẽ chỉ ra một số điểm nổi bật được đề cập trong Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP để Quý bạn đọc tham khảo, ứng dụng.
1. Quy định mới của Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP
1.1. Về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong việc yêu cầu ly hôn
Điểm nổi bật của Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP liên quan đến bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ là quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của người chồng. Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đã hướng dẫn áp dụng quy định cụ thể và chi tiết hơn đối với trường hợp người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung thêm trường hợp vợ đang có thai nhưng phải đình chỉ thai nghén hay có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén thì người chồng cũng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, đối với trường hợp đình chỉ thai nghén, cả luật và Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đều chưa có quy định cụ thể là sau bao lâu kể từ thời điểm đình chỉ thai nghén, người chồng được quyền yêu cầu giải quyết ly hôn?
Thứ hai, trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chồng của người mang thai hộ và chồng của người nhờ mang thai hộ đều không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
(Căn cứ tại Điều 2 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP)
1.2. Về bảo vệ quyền lợi của con nhỏ dưới 36 tháng tuổi
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định đối với con dưới 36 tháng tuổi, người mẹ được quyền nuôi dưỡng, trừ trường hợp đặc biệt mà người mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng con. Trước đây, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa có quy định cụ thể về trường hợp người mẹ không đủ điều kiện nuôi con dưới 36 tháng tuổi là như thế nào? Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đã nêu rõ những điều kiện cụ thể trong trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để nuôi con:
- Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Việc đưa ra các trường hợp trên có thể giúp Tòa án dễ dàng trong việc xác định khi nào người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con dưới 36 tháng tuổi.
Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đã bổ sung thêm một trường hợp là nếu mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi nêu trên, nhưng điều kiện chăm nom, nuôi dưỡng của người cha kém hơn hoặc bằng thì Tòa án vẫn quyết định giao con cho mẹ trực tiếp nuôi. Điều này xuất phát từ thực tiễn xét xử, có những trường hợp cả cha lẫn mẹ đều không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con dưới 36 tháng tuổi.
(Căn cứ tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP)
1.3. Về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha, mẹ không trực tiếp nuôi con
- Về trách nhiệm cấp dưỡng
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc cấp dưỡng cho con khi cha, mẹ không trực tiếp nuôi con là nghĩa vụ bắt buộc. Tuy nhiên, Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đã đưa ra trường hợp Tòa án không buộc cấp dưỡng cho con nếu xét thấy người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng và việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện.
- Về mức cấp dưỡng nuôi con
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tiền cấp dưỡng cho con được Tòa án căn cứ vào mức thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp thỏa thuận về mức cấp dưỡng cho con quá thấp, không đảm bảo được quyền lợi cho trẻ.
Chính vì vậy, Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP giải thích đầy đủ hơn so với hướng dẫn trước đây. Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP quy định tiền cấp dưỡng cho con phải là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con. Tòa án quyết định mức cấp dưỡng cần căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
(Căn cứ tại khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP)
1.4. Về việc cha mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định 04 trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Tuy nhiên, luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể về cách hiểu đối với các trường hợp này. Để làm rõ vấn đề này, Điều 8 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đã đưa ra hướng dẫn, giải thích và nêu một số các ví dụ điển hình:
- “Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý” là bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về các tội được quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự 2015 hoặc có “hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” (Ví dụ: Cha mẹ bỏ mặc con chưa thành niên tự sinh sống).
- “Phá tán tài sản của con” là mua, bán, tặng cho, hủy hoại hoặc hành vi khác làm thiệt hại đến tài sản của con mà không vì lợi ích của con.
- “Có lối sống đồi trụy” là lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc (Ví dụ: Cha, mẹ thực hiện hoạt động mại dâm).
- “Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội” là hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy, ép buộc bằng lời nói, cử chỉ hoặc bằng bất cứ hình thức nào dẫn đến con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (Ví dụ: xúi giục con bỏ học).
(Căn cứ Điều 8 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP)
2. Lời khuyên pháp lý
Khi giải quyết một vụ án hôn nhân và gia đình, ngoài việc xem xét đến quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, Hội đồng xét xử sẽ đồng thời xem xét đến Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán. Do đó, Quý bạn đọc cần nắm bắt các nội dung của các Nghị quyết hướng dẫn này để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây, Hãng luật MIBI đã tổng hợp những điểm mới nổi bật của Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình. Trường hợp cần tư vấn cụ thể hơn, vui lòng liên hệ với chúng tôi TẠI ĐÂY để được đồng hành, hỗ trợ.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.
Tham khảo các bài viết cùng chủ đề TẠI ĐÂY.