Chính phủ đã có Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/09/2024 về việc khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, phí, lệ phí, … cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão Yagi nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát tốt lạm phát. Trên cơ sở đó, Bộ Tài Chính đã ra Công văn 4062/TCT-CS-2024 ngày 13/09/2024 để hướng dẫn về các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do Bão số 3 và mưa lũ sau bão và triển khai việc hướng dẫn người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi thiên tai nêu trên.
Bài viết này, Hãng luật MIBI sẽ hướng dẫn chi tiết các quy định của Nhà nước về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đối với Doanh nghiệp bị tổn thất do Bão Yagi, bên cạnh đó đưa ra những lưu ý khi thực hiện.
1. Quy định pháp luật
1.1. Quy định về gia hạn nộp thuế
1.1.1. Các trường hợp được gia hạn nộp thuế
Việc gia hạn nộp thuế xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng. Trường hợp bất khả kháng ở đây được pháp luật quy định gồm “Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ”.
- Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, doanh nghiệp bị tổn thất do bão Yagi được xếp vào nhóm “bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh” do “gặp thiên tai” và được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế một phần hoặc toàn bộ tiền thuế phải nộp.
1.1.2. Hướng dẫn nộp hồ sơ gia hạn nộp thuế
- Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ:
Theo quy định, người nộp thuế thuộc các trường hợp được gia hạn như đã nêu phải lập và gửi hồ sơ gia hạn nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp.
- Thành phần hồ sơ:
Hồ sơ gia hạn nộp thuế (áp dụng với trường hợp “gặp thiên tai”) bao gồm:
(1) Công văn đề nghị gia hạn nộp thuế, trong đó nêu rõ lý do, số tiền thuế, thời hạn nộp;
(2) Tài liệu chứng minh lý do gia hạn nộp thuế.
Đối với trường hợp doanh nghiệp bị tổn thất do bão Yagi, tài liệu chứng minh có thể là văn bản, biên bản xác nhận nguyên nhân thiệt hại của một số cơ quan chức năng tại địa bàn nơi phát sinh thiệt hại như: Cơ quan Công an xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế, Ban quản lý cửa khẩu, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ hàng hải nơi xảy ra thiên tai.
Với các trường hợp khác như dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, vui lòng liên hệ với Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY để được chúng tôi hướng dẫn cụ thể về thành phần hồ sơ gia hạn nộp thuế.
- Hình thức nộp hồ sơ: trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế; nhận hồ sơ gửi qua đường bưu chính; nhận hồ sơ điện tử qua cổng giao dịch điện tử của cơ quan quản lý thuế.
(Theo khoản 27 Điều 3, Điều 62, Điều 64, Điều 65 Luật Quản lý thuế năm 2019; Điều 24 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế)
1.2. Quy định về miễn tiền chậm nộp
Theo khoản 8, Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 sẽ được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp bất khả kháng. Theo đó, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Bão Yagi sẽ được hưởng chính sách miễn tiền chậm nộp thuế.
1.3. Quy định miễn xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế
Người nộp thuế bị phạt tiền do vi phạm hành chính về quản lý thuế mà bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng đã phân tích ở trên thì được miễn tiền phạt. Theo đó, Doanh nghiệp bị tổn thất do bão Yagi cũng được miễn tiền xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, tổng số tiền miễn phạt tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại.
Mức miễn, giảm tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường nếu có.
Hồ sơ miễn xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế gồm:
- Biên bản kiểm kê, xác định giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập.
- Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của tổ chức có chứng năng định giá theo quy định của pháp luật.
- Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Hồ sơ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật .
(Căn cứ khoản 27 Điều 3, khoản 1 Điều 140, Luật quản lý thuế năm 2019; Điều 43 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn quy định miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021) )
1.4. Quy định về thuế thu nhập Doanh nghiệp
Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập Doanh nghiệp đối với các khoản chi dưới đây:
- Phần giá trị tổn thất do thiên tai (bão Yagi) không được bồi thường
Phần giá trị tổn thất do bão Yagi không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị Doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ tài sản, hàng hóa bị tổn thất do bão Yagi được tính vào chi phí được trừ như sau:
– Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất do Doanh nghiệp lập. Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa tổn thất phải xác định rõ giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất, nguyên nhân tổn thất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về những người tổn thất; chủng loại, số lượng, giá trị tài sản, hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có); bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị tổn thất có xác nhận do đại diện hợp pháp của Doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật;
– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có);
– Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
- Khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả của bão Yagi
Hồ sơ xác định khoản tài trợ cho việc khắc phục hậu quả của bão Yagi gồm:
– Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện Doanh nghiệp là nhà tài trợ, đại diện của tổ chức bị thiệt hại do thiên tai (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) là đơn vị nhận tài trợ (theo mẫu số 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC)
– Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền).
- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động
Chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của Doanh nghiệp.
Lưu ý, các khoản chi nêu trên chỉ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN khi đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 1 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2020, cụ thể:
– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
– Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật.
(Căn cứ Điều 9 Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp; điểm 2.30 khoản 2 Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập Doanh nghiệp; Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn và thi hành luật thuế thu nhập Doanh nghiệp)
2. Lời khuyên pháp lý
2.1. Lưu ý về thời gian và điều kiện để được gia hạn nộp thuế
2.1.1. Về điều kiện gia hạn nộp thuế
Người nộp thuế phải không bị phạt và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nợ thuế trong thời gian gia hạn nộp thuế. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp căn cứ hồ sơ gia hạn nộp thuế để có thể quyết định số tiền được gia hạn, thời gian gia hạn nộp thuế.
2.1.2. Về thời gian
- Thời gian gia hạn nộp thuế:
Không được quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với quy định người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do bão Yagi.
- Thời gian xử lý hồ sơ :
Cụ thể nếu hồ sơ hợp pháp, đầy đủ, đúng mẫu quy định thì thông báo bằng văn bản về việc gia hạn nộp thuế cho người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì cần thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
(Theo khoản 27 Điều 3, Điều 62, Điều 64, Điều 65 Luật quản lý thuế năm 2019; Điều 24 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về trình tự, thủ tục hồ sơ gia hạn nộp thuế).
2.2. Lưu ý khi nộp hồ sơ bồi thường thiệt hại, hồ sơ trách nhiệm bồi thường, biên bản xác định giá trị thiệt hại
Về biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật, hay hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật. Hay hồ sơ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân bồi thường theo quy định của pháp luật đều cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực (nếu có).
(Căn cứ Điều 43 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn quy định miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021))
2.3. Lưu ý về hồ sơ xác định khoản tài trợ cho việc khắc phục hậu quả do bão Yagi
Về vấn đề xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của Doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp Doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế). Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với các khoản chi theo các điều kiện trên và các khoản chi phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Doanh nghiệp;
– Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật.
(Căn cứ Điều 9 Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp, Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập Doanh nghiệp)
Bài viết đã hướng dẫn chi tiết các quy định của Nhà nước về vấn đề miễn, giảm, gia hạn thuế đối với Doanh nghiệp bị tổn thất do cơn bão số 3 (Bão Yagi) gây ra, bên cạnh đó cũng đã đưa ra những lời khuyên pháp lý giúp các Doanh nghiệp lưu ý khi thực hiện các thủ tục trên. Hãng luật MIBI hi vọng rằng bài viết của chúng tôi sẽ cung cấp thêm kiến thức pháp lý cho Doanh nghiệp, giúp Doanh nghiệp phục hồi và trở lại sản xuất một cách nhanh chóng.
Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.
Cập nhật thêm các bài viết quan trọng có tính thời sự của Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY hoặc tham khảo thêm các bài viết về chủ đề Doanh nghiệp TẠI ĐÂY.