“Lá lành đùm lá rách” là một trong những truyền thống lâu đời của dân tộc ta và từ thiện, cứu trợ sau thiên tai chính là một trong những hành động thiết thực thể hiện đúng tinh thần tốt đẹp đó.
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của siêu bão Yagi và hoàn lưu sau bão đối với các tỉnh thành phía Bắc nước ta, ngoài các tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm thì có một bộ phận đông đảo các cá nhân cũng tích cực đứng ra kêu gọi từ thiện, cứu trợ đồng đào chịu ảnh hưởng sau thiên tai. Đây là một hành động cần thiết, đáng được lan tỏa song, để tránh các rủi ro không đáng có liên quan đến hoạt động từ thiện, các cá nhân tham gia cần phải lưu ý những vấn đề pháp lý gì để việc từ thiện vừa đảm bảo tính hợp pháp mà vẫn đạt hiệu quả.
1. Quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân
Ngoài các cơ quan, tổ chức được kêu gọi từ thiện, căn cứ theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự cũng được quyền tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai bão lũ và phải tuân thủ các quy định pháp luật, cụ thể:
1.1. Về việc vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện
Việc vận động đóng góp tự nguyện của các cá nhân phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Các cá nhân khi tham gia vận động cần phải:
- Thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông về mục đích; phạm vi; phương thức, hình thức vận động; tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật); thời gian cam kết phân phối.
- Gửi bằng văn bản Thông báo đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP.
- Mở tài khoản ngân hàng riêng tại ngân hàng theo từng cuộc vận động, để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp (đối với trường hợp vận động đóng góp bằng tiền).
Hoạt động tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện có thể được thực hiện dưới 02 hình thức gồm tiền và hiện vật. Khi tiếp nhận các nguồn đóng góp này, cá nhân cần lưu ý:
Việc tiếp nhận tiền: (1) chỉ cung cấp thông tin tài khoản riêng đã mở tại ngân hàng và (2) có biên nhận đối với các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt.
Việc tiếp nhận hiện vật: (1) toàn bộ hiện vật đóng góp phải được giao, nhận đầy đủ về số lượng, chủng loại tại địa điểm tiếp nhận đã thông báo; và (2) bảo quản, lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn quy định.
Sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết theo thông báo, cá nhân tham gia vận động không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
(Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 4, Điều 17 Nghị định 93/2021/NĐ-CP)
1.2. Về việc phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
Việc cá nhân phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thông báo, phối hợp với cơ quan địa phương. Dựa trên nguồn đóng góp từ việc vận động và tiếp nhận nguồn đóng góp từ thiện, các cá nhân có trách nhiệm phải thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết.
UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ (Chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo).
Pháp luật và Nhà nước khuyến khích việc các cá nhân chi nguồn đóng góp tự nguyện thực hiện theo các nội dung ưu tiên gồm: (1) hỗ trợ cho những người bị thương nặng, mất tích, chi phí mai táng cho gia đình người chết; (2) hỗ trợ lương thực, thực thẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh; (3) hỗ trợ sửa chữa, xây dựng lại nhà ở, (4) hỗ trợ di chuyển người dân ra khỏi vùng thiên tai; (5) dựng lán trại tạm thời cho người dân di dời và các hỗ trợ cần thiết khác.
(Căn cứ quy định tại Điều 18, khoản 1 Điều 11 Nghị định 93/2021/NĐ-CP)
1.3. Về việc quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố cần phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, cụ thể các cá nhân có trách nhiệm:
- Mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về quá trình, từ khâu tiếp nhận đến khi phân phối xong;
- Công khai trên truyền thông: (i) Công khai văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ngay sau khi ban hành; (ii) Công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 01 đến 03 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện; (iii) Công khai kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện: Công khai tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận; công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng; (iv) Công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
- Gửi kết quả đến UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết tại trụ sở trong 30 ngày;
- Thực hiện cung cấp thông tin về việc vận động,tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Quản lý về tài chính và công khai nguồn đóng góp tự nguyện là nội dung các cá nhân cần đặc biệt lưu ý, bởi lẽ nếu tài chính không minh bạch và công khai, rất có thể sẽ xảy ra những tranh cãi và nghi ngờ đáng tiếc đối với người đứng ra vận động.
(Căn cứ quy định tại Điều 19;, khoản 2, khoản 4 Điều 14 Nghị định 93/2021/NĐ-CP)
2. Lời khuyên pháp lý
Vận động, kêu gọi các nguồn đóng góp tự nguyện là hoạt động mang tính cộng đồng và xuất phát từ lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân. Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân tham gia hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm việc lợi dụng công tác vận động, kêu gọi từ thiện để trục lợi.
Do đó, khi đứng ra kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp từ thiện, các cá nhân cần tuân thủ đúng các quy định trên để đảm bảo hoạt động từ thiện được diễn ra hiệu quả nhất, phát huy tối đa những giá trị tốt đẹp của đồng bào nhân dân ta, đồng thời hạn chế những rủi ro, hệ luỵ có thể xảy ra từ hoạt động từ thiện.
Trên đây là toàn bộ các nội dung về pháp lý liên quan đến hoạt động vận động, kêu gọi từ thiện của cá nhân mà Hãng luật MIBI đã tổng hợp. Chúng tôi rất hy vọng, bài viết này sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho Quý bạn đọc, đảm bảo phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc dựa trên nguyên tắc cốt lõi là sự thượng tôn pháp luật.
Trường hợp cần tư vấn cụ thể hơn về quy định liên quan đến hoạt động vận động, kêu gọi từ thiện của cá nhân, vui lòng liên hệ với Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.
Cập nhật thêm các bài viết quan trọng có tính thời sự của Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY.