Mang thai hộ là một trong những phương pháp y khoa nhằm hỗ trợ việc sinh con trong trường hợp cặp vợ chồng không thể sinh con tự nhiên và người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Đây là một biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết nhu cầu sinh con, nuôi con nhằm duy trì, gìn giữ hạnh phúc gia đình, nhất là trong bối cảnh chất lượng môi trường trong thời gian gần đây càng ngày càng giảm sút, áp lực công việc tăng cao, hiện tượng hiếm muộn đang có xu hướng tăng cao.

Song song với sự phát triển của y học, pháp luật cũng có công cụ để điều tiết, đảm bảo cho việc mang thai hộ không bị lạm dụng, biến tướng, làm mất đi giá trị truyền thống, văn hóa, đạo đức của người Việt Nam

Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ chia sẻ với Quý bạn đọc quy định pháp luật về việc mang thai hộ và các vấn đề có liên quan.

1. Quy định pháp luật
1.1. Mang thai hộ là gì?

Pháp luật chưa có quy định về định nghĩa “mang thai hộ”. Khái niệm này thường được sử dụng theo cách hiểu của một thuật ngữ trong y tế. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã định nghĩa:

“Mang thai hộ là khi người phụ nữ mang thai và sinh ra một em bé cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ khi họ mong muốn có con nhưng không thể mang thai được. Quá trình này diễn ra bằng cách tạo ra phôi từ trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ thông qua thụ tinh trong ống nghiệm. Phôi của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ sẽ được chuyển vào trong tử cung của người phụ nữ mang thai hộ.”

Link trích dẫn: https://bvhungvuong.vn/danh-cho-benh-nhan/thong-tin-mang-thai-ho

Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có 02 định nghĩa rõ ràng về “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” và “mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Theo đó:

  • Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
  • Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

(Căn cứ pháp lý: khoản 22, 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Pháp luật Việt Nam hiện nay nghiêm cấm việc “mang thai hộ vì mục đích thương mại” (theo điểm g khoản 2 Luật Hôn nhân à gia đình) và cho phép “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” khi đáp ứng được các điều kiện theo quy định.

Ý nghĩa cốt lõi trong việc mang thai hộ là nhằm giúp đỡ các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc sinh con. Việc nghiêm cấm “mang thai hộ vì mục đích thương mại” là nhằm hạn chế việc thực hiện kỹ thuật này vào các mục đích trái với ý nghĩa cốt lõi đó. Đây là tinh thần chung trong đạo luật về hôn nhân và gia đình của nhiều quốc gia trên thế giới như Canada, Đan Mạch, New Zealand, Brazil, Anh và Australia,…

1.2 Điều kiện mang thai hộ

a. Đối với vợ chồng nhờ người mang thai hộ:

  • Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
  • Vợ chồng đang không có con chung;
  • Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

(Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

b. Đối với người được nhờ mang thai hộ

  • Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ, bao gồm: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ
  • Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần
  • Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ
  • Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
  • Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

(Căn cứ pháp lý: khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; khoản 7 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.)

Có ý kiến cho rằng việc hạn chế người được nhờ mang thai hộ chỉ là anh chị em họ hàng gần (trong phạm vi ba đời) sẽ gây khó khăn cho các cặp vợ chồng trong việc tìm người được hỗ trợ thực hiện kỹ thuật này, nhất là khi theo quy định, người này phải đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe, về việc đã từng sinh con,…

Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, đây là quy định tương đối chặt chẽ nhằm kiểm soát, hạn chế việc các bên sử dụng kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích thương mại hoặc vì mục đích phi nhân đạo.

c. Đối với cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

  • Là một trong ba cơ sở: Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viên Đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh hoặc
  • Bệnh viện đáp ứng được điều kiện (1) có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này; (2) tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm và đã được Bộ Y tế công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

(Căn cứ pháp lý: Điều 13 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ).

2. Lời khuyên pháp lý

Liên quan đến việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Hãng luật MIBI có một số lưu ý đến quý bạn đọc

  • Trước khi thực hiện, cần tìm hiểu cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
  • Đối với việc nhờ mang thai hộ: cần lập thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, trong Thỏa thuận cần nêu đầy đủ thông tin của các bên; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên; việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa, hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe của người mang thai hộ,…

Đây là một trong những văn bản bắt buộc trong hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; đồng thời việc quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên cũng nhằm hạn chế các tranh chấp phát sinh sau này, nhất là trong bối cảnh người mang thai hộ là người có quan hệ thân thích, gần gũi với chính người vợ hoặc người chồng nhờ mang thai hộ.

Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ.

Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI

Tham khảo các bài viết cùng chủ đề TẠI ĐÂY.

Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:

Cha mẹ ly hôn, con ở với ai?

Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?

Tin nhắn Zalo có được coi là “chứng cứ” trong Tố tụng dân sự?

03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”