Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết các vụ án ly hôn, Hãng luật MIBI nhận thấy số lượng các vụ án ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên) chiếm tỷ trọng cao.
Vậy ly hôn đơn phương là gì? Trường hợp nào được ly hôn đơn phương? Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp cho Quý bạn đọc.
1. Ly hôn đơn phương là gì?
Luật Hôn nhân và gia đình không có quy định trực tiếp về khái niệm “ly hôn đơn phương”. Tuy nhiên, có thể hiểu, ly hôn đơn phương là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên, xảy ra khi chỉ một bên vợ hoặc chồng (hoặc cha, mẹ, người thân thích của người vợ/chồng bị bệnh tâm thần hoặc không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình) có yêu cầu ly hôn do cuộc sống hôn nhân không như mong muốn.
2. Các trường hợp được ly hôn đơn phương
Trường hợp 1 – vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Hành vi bạo lực gia đình không nhất thiết phải là hành hạ, đánh đập. Hành vi bạo lực có thể là lăng mạ, chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi; cưỡng ép vợ/chồng lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; cô lập, giam cầm thành viên trong gia đình,…
Trường hợp nhận thấy có dấu hiệu nhưng chưa xác định được hành vi của vợ/chồng mình có được coi là bạo lực gia đình hay không, Quý bạn đọc có thể liên hệ Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY để được tư vấn cụ thể.
Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng là vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia, ví dụ như phá tán tài sản gia đình.
Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được là khi xảy ra một trong các trường hợp:
– Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng;
– Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình;
– Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau;
– Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.
Trường hợp này, Tòa án chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn nếu các bên đã hòa giải tại Tòa án nhưng hòa giải không thành.
Trường hợp 2 – vợ, chồng của người bị Tòa án tuyên bố là mất tích yêu cầu ly hôn
Trường hợp này, vợ, chồng của người bị mất tích có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn mà không cần thông qua thủ tục hòa giải.
Trường hợp 3 – cha, mẹ, người thân thích khác của người vợ/chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình yêu cầu ly hôn.
Trường hợp này, Tòa án chỉ giải quyết ly hôn khi có căn cứ xác định (1) người vợ, chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình bị vợ, chồng mình bạo lực gia đình; và (2) hành vi bạo lực đó gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người bị bạo hành.
Căn cứ pháp lý:
– Điều 56, khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
– Điều 4 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao;
– Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.
3. Lời khuyên pháp lý
Trái với thuận tình ly hôn (ly hôn khi có sự mong muốn, thiện chi từ cả hai phía), đối với trường hợp ly hôn đơn phương, người có yêu cầu cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu ly hôn của mình.
Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết hướng dẫn về chuẩn bị hồ sơ yêu cầu ly hôn TẠI ĐÂY.
Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ.
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI
Tham khảo các bài viết cùng chủ đề TẠI ĐÂY.
Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:
Vợ đã tái giá thì có được hưởng di sản thừa kế từ người chồng quá cố không?
Để khai nhận thừa kế cần những giấy tờ gì?
Con riêng có được hưởng di sản thừa kế từ bố dượng, mẹ kế không?