Khai nhận di sản thừa kế là thủ tục nhằm xác lập quyền tài sản với di sản do người chết để lại cho người được hưởng theo quy định của pháp luật. Vậy quyền yêu cầu khai nhận di sản thuộc về ai? Trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế như thế nào?
Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ cung cấp thông tin chi tiết cho Quý bạn đọc về nội dung này.
1. Ai là người có quyền yêu cầu khai nhận di sản thừa kế?
Theo quy định tại Điều 58 Luật Công chứng 2014, việc khai nhận di sản thừa kế chỉ xảy ra khi có duy nhất một người được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật nhưng không thoả thuận phân chia di sản đó.
2. Trình tự tổng quan về khai nhận di sản thừa kế
2.1. Chuẩn bị và nộp hồ sơ khai nhận di sản thừa kế
a. Chuẩn bị hồ sơ
Để thực hiện khai nhận di sản thừa kế, người được hưởng di sản cần chuẩn bị các loại giấy tờ liên quan đến (1) người đã chết; (2) di sản thừa kế; (3) người được hưởng di sản (còn sống) và một số giấy tờ khác mà chúng tôi đã nêu cụ thể trong bài viết hướng dẫn về chuẩn bị hồ sơ (Xem chi tiết, TẠI ĐÂY).
Bước chuẩn bị hồ sơ vô cùng quan trọng bởi nếu chỉ thiếu hoặc có sai sót trong một giấy tờ, hồ sơ khai nhận di sản thừa kế sẽ không được giải quyết. Thực tế tại nhiều gia đình, việc chuẩn bị giấy tờ thường gặp phải khó khăn do:
(1) lưu giữ hồ sơ không đầy đủ, đặc biệt là với người đã chết và
(2) thông tin trên giấy tờ có sai lệch (phổ biến nhất là thông tin về độ tuổi, năm sinh của cha mẹ trên giấy khai sinh của các con không khớp nhau).
Nắm bắt được thực trạng đó, Hãng luật MIBI cung cấp dịch vụ hỗ trợ, đồng hành cùng Quý Khách hàng trong việc chuẩn bị và nộp hồ sơ khai nhận di sản thừa kế.
b. Nộp hồ sơ
Sau đó, người yêu cầu tiến hành nộp hồ sơ đã chuẩn bị tại UBND xã, phường hoặc tại văn phòng công chứng nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì nộp hồ sơ tại Văn phòng công chứng nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
2.2. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền, Công chứng viên/cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành xem xét, kiểm tra các giấy tờ có trong hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và chuẩn xác, công chứng viên/cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiếp nhận, thụ lý yêu cầu và ghi vào sổ công chứng.
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc có giấy tờ chưa hợp lệ, công chứng/cán bộ tiếp nhận hồ sơ viên yêu cầu bổ sung thêm.
- Trường hợp hồ sơ không có cơ sở để giải quyết, công chứng viên/cán bộ tiếp nhận hồ sơ giải thích lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ.
2.3. Niêm yết công khai việc thụ lý yêu cầu khai nhận di sản
Khi hồ sơ được tiếp nhận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã/phường là nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Thời hạn niêm yết là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Hết 15 ngày, UBND cấp xã/phường nơi tiến hành niêm yết phải có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết.
2.4. Lập văn bản khai nhận di sản và ký chứng nhận
Sau thời gian niêm yết nếu không ai có bất cứ khiếu kiện, khiếu nại liên quan, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành lập văn bản khai nhận di sản thừa kế theo đề nghị của người khai nhận di sản. Trường hợp người khai nhận di sản đã có dự thảo văn bản khai nhận từ trước, công chứng viên/cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành kiểm tra dự thảo. Nội dung văn bản khai nhận di sản thừa kế phải đảm đảm bảo không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Hãng luật MIBI cung cấp dịch vụ soạn thảo Văn bản khai nhận di sản thừa kế, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Tiếp đó, người khai nhận di sản phải tự mình hoặc yêu cầu công chứng viên/cán bộ tiếp nhận hồ sơ đọc lại toàn văn văn bản khai nhận di sản thừa kế. Nếu đồng ý với toàn bộ nội dung, người khai nhận di sản thừa kế cùng ký tên vào văn bản khai nhận di sản thừa kế theo hướng dẫn của công chứng viên/cán bộ tiếp nhận hồ sơ.
Lưu ý: Người khai nhận di sản cần mang theo bản chính các giấy tờ theo hồ sơ đã nộp để Công chứng viên/cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, đối chiếu trước khi ký xác nhận vào lời chứng và từng trang Văn bản khai nhận di sản thừa kế.
2.5. Nộp phí và nhận kết quả
Người yêu cầu khai nhận di sản tiến hành nộp phí theo quy định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền công chứng/chứng thực và nhận giấy hẹn trả kết quả.
Kết quả cuối cùng là văn bản khai nhận di sản thừa kế đã được công chứng, chứng thực có giá trị pháp lý.
3. Lời khuyên pháp lý
Liên quan đến việc khai nhận di sản thừa kế, Quý bạn đọc cần quan tâm đến:
(1) Thời hiệu chia di sản thừa kế: 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản. Quý bạn đọc cần lưu ý, để không bỏ lỡ thời hiệu dẫn đến mất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
(2) Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ. Trong trường hợp nhận thấy hồ sơ, giấy tờ bị thiếu hoặc có sai sót, cần chủ động chuẩn bị trước khi làm việc với UBND xã, phường hoặc Văn phòng công chứng. Trường hợp gặp khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ, Quý bạn đọc có thể liên hệ để được Hãng luật MIBI hỗ trợ.
Trên đây là trình tự tổng quan về khai nhận di sản thừa kế mà Hãng luật MIBI khái quát cho Quý bạn đọc. Nếu còn bất cứ thắc mắc hoặc cần sự trợ giúp, hãy liên hệ TẠI ĐÂY để được Chúng tôi tư vấn và đồng hành.
Bài viết bởi Trợ lý luật sư Cù Thị Thanh Huyền – Hãng luật MIBI
Tham khảo các bài viết cùng chủ đề TẠI ĐÂY.
Đọc thêm bài viết cùng tác giả dưới đây:
Di chúc hợp pháp cần những điều kiện gì?
Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế đối với người đang chấp hành án phạt tù