Pháp luật về thừa kế quy định mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp người thừa kế không được quyền hưởng thừa kế đối với phần di sản mà người chết để lại.
Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ cung cấp thông tin cho Quý bạn đọc về nội dung này.
1. Quy định pháp luật về người thừa kế không được quyền hưởng di sản
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế nhưng lại không được quyền hưởng di sản bao gồm các đối tượng sau:
Trường hợp 1: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
Người bị kết án ở đây được hiểu là đã bị kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Trường hợp nếu một người bị kết án và sau đó đã được xoá án tích thì vẫn thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế.
Trường hợp 2: Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
Một người bị coi là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản khi người đó có nghĩa vụ và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng nhưng cố ý từ chối hoặc trốn tránh làm cho người đó lâm vào tình trạng khổ sở hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì không có quyền hưởng di sản của người đó để lại.
Trường hợp 3: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
Một người thực hiện hành vi giết người lỗi cố ý và nhằm mục đích chiếm đoạt di sản thừa kế của người đó, đã bị kết án bằng một bản án có hiệu lực thì bị pháp luật “tước” quyền hưởng di sản thừa kế.
Trường hợp 4: Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Lập di chúc là quyền của người để lại di sản nhằm định đoạt tài sản của mình. Người nào có hành vi cản trở việc lập di chúc của người để lại di chúc là trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu người có hành vi cản trở việc lập di chúc mà không nhằm mục đích hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái ý chí của người để lại di sản thì không thuộc trường hợp bị pháp luật “tước” quyền hưởng di sản thừa kế.
(Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015)
Trường hợp 5: Người bị truất quyền thừa kế trong di chúc
Ngoài những người không được quyền hưởng di sản quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, còn trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế khi bị người để lại di sản truất quyền thừa kế trong di chúc. Truất quyền thừa kế là việc người để lại di sản thừa kế không muốn để lại phần tài sản của mình cho một người nào đó và nội dung này phải được đưa vào trong bản di chúc hợp pháp. Đây là quyền của người để lại di chúc.
(Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015)
2. Một số lưu ý
Lưu ý 1: Pháp luật quy định về các trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế theo khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng sự tự do ý chí của người để lại di sản, khoản 2 Điều này vẫn mở rộng cho các đối tượng này được phép hưởng di sản thừa kế nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho hưởng di sản theo di chúc.
Như vậy, nếu người để lại di sản muốn để lại tài sản cho người thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, cần lưu ý trong di chúc phải thể hiện rõ nội dung đã biết hành vi của người đó nhưng vẫn mong muốn cho họ được hưởng di sản thừa kế.
Lưu ý 2: Truất quyền thừa kế là quyền của người để lại di sản. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp bị truất quyền đều không được hưởng di sản thừa kế. Cụ thể, để đảm bảo quyền lợi cho những người có quan hệ thân thiết với người để lại di sản, pháp luật về thừa kế vẫn để cho một số đối tượng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (xem thêm TẠI ĐÂY).
3. Lời khuyên pháp lý
Có thể thấy, những trường hợp không được quyền hưởng thừa kế có một điểm chung là đều vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại di sản hoặc xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe của người để lại di sản.
Do đó, Hãng luật MIBI khuyến nghị tới Quý bạn đọc: mỗi người cần thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với các thành viên trong gia đình. Việc thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm này không chỉ đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật, phù hợp với tiêu chuẩn về đạo đức của cộng đồng, văn hóa, truyền thống của người Việt Nam mà đồng thời cũng đảm bảo quyền được hưởng di sản của bạn trong trường không may thành viên trong gia đình của bạn qua đời.
Trên đây là những quy định của pháp luật và một số lưu ý của Hãng luật MIBI về nội dung liên quan đến người không được quyền hưởng di sản thừa kế. Nếu còn bất cứ thắc mắc hoặc cần sự trợ giúp, hãy liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI tư vấn và đồng hành.
Bài viết bởi Trợ lý luật sư Cù Thị Thanh Huyền – Hãng luật MIBI.
Tham khảo các bài viết cùng chủ đề TẠI ĐÂY.
Đọc thêm bài viết cùng tác giả dưới đây:
Di chúc hợp pháp cần những điều kiện gì?
Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế đối với người đang chấp hành án phạt tù