Thừa kế là chế định của pháp luật nhằm điều chỉnh việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống. Theo pháp luật, cha, mẹ, vợ/chồng, con của người đã chết thuộc hàng thừa kế thứ nhất và sẽ được hưởng di sản thừa kế nếu không từ chối nhận di sản và không thuộc các trường hợp không được quyền hưởng di sản.

Vậy với trường hợp vợ tái giá (lập gia đình mới) sau khi chồng qua đời thì vợ có được hưởng di sản từ người chồng quá cố không? Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp cho Quý bạn đọc.

1. Quy định pháp luật về quyền hưởng di sản thừa kế khi đã tái giá

Dự liệu được đây là một tình huống dễ xảy ra trong đời sống, các nhà làm luật đã thể chế hóa tại Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, khoản 3 Điều 655 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rất rõ: “Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản”.

Như vậy, nếu sau khi chồng mất, người vợ lập gia đình mới thì người vợ vẫn được hưởng di sản thừa kế từ người chồng đã mất.

Đây là quy định phù hợp với tinh thần chung của quy định pháp luật về thừa kế: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết” (khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015), bởi tại thời điểm người chồng mất, người phụ nữ vẫn là vợ của người đó và là hàng thừa kế thứ nhất của người chồng.

Theo đó, người vợ được hưởng di sản thừa kế từ người chồng quá cố nếu không từ chối nhận di sản và không thuộc một trong các trường hợp không được quyền hưởng di sản theo khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015:

  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
  • Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
  • Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
  • Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Ví dụ và bình luận

Anh M và chị N là vợ chồng hợp pháp, có 01 con chung là cháu H. Năm 2018, anh M chết, để lại tài sản là 01 căn hộ chung cư có giá trị 3 tỷ đồng (tài sản riêng của anh M). Sau khi anh M chết, chị N và cháu H tiếp tục sinh sống tại căn chung cư nêu trên.

Năm 2022, chị N tái hôn với anh P. Cha, mẹ anh M là ông T, bà S không đồng ý cho chị M tiếp tục sống tại căn chung cư mà anh M để lại. Ông T, bà S cho rằng chị N đã đi lấy chồng mới thì không có quyền hưởng di sản mà anh M để lại nữa.

Chị N nhờ luật sư tư vấn: ý kiến của ông T, bà S có cơ sở không? Chị muốn tiếp tục ở lại căn chung cư để ổn định việc sinh hoạt, học hành cho cháu H. Chị cần làm gì để thực hiện yêu cầu của mình?

Thực tế, trong quá trình tư vấn cho các khách hàng, Hãng luật MIBI gặp rất nhiều tình huống như của chị N. Nguyên nhân dẫn đến các tình huống này thường xuất phát từ yếu tố văn hóa, truyền thống, sau khi người có tài sản chết, nhiều gia đình thường không thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế luôn, đặc biệt là đối với bất động sản thì thường được tiếp tục sử dụng theo hiện trạng.

Thực tế này dẫn đến trường hợp sau này khi người vợ/người chồng lập gia đình mới thì thường bị cha mẹ người đã khuất gây khó khăn, không đồng ý để người vợ/chồng đó được nhận phần di sản mà theo pháp luật họ được quyền hưởng.

3. Lời khuyên pháp lý

Với trường hợp của chị N nêu trên, chị N là vợ hợp pháp của anh M tại thời điểm anh M chết. Do đó, chị M là một trong 04 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh M (cùng cha, mẹ và con anh M). Theo đó, chị N, cháu H, ông T, bà S mỗi người được hưởng kỷ phần bằng ¼ di sản mà anh M để lại, tương đương 750 triệu đồng.

Trong trường hợp chị N muốn tiếp tục ở lại căn chung cư để ổn định việc sinh hoạt, học hành cho cháu H, chị cần: (1) giải thích với ông T, bà S về quyền được hưởng di sản thừa kế của chị và cháu H và (2) trao đổi, thỏa thuận với ông T, bà S về nguyện vọng của chị, nếu chị muốn nhận căn nhà thì cần chuẩn bị tài chính để thanh toán giá trị phần di sản mà ông T, bà S được nhận (tương đương 1,5 tỷ đồng).

 Trường hợp cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI đồng hành, hỗ trợ.

 Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI.

 Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:

Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?

Tin nhắn Zalo có được coi là “chứng cứ” trong Tố tụng dân sự?

03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”