Thông thường khi nhắc đến việc nộp tạm ứng án phí trong tố tụng dân sự, Quý bạn đọc hay nghĩ đó là nghĩa vụ của nguyên đơn. Vậy liệu rằng có trường hợp nào, bị đơn cũng phải nộp tạm ứng án phí? Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp vấn đề này cho Quý bạn đọc.

1. Quy định pháp luật về nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí

Theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí:

“Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.”

Như vậy không chỉ có nguyên đơn mà bị đơn cũng phải nộp tạm ứng án phí, nếu họ có yêu cầu phản tố. Tuy nhiên không phải yêu cầu nào của bị đơn cũng là yêu cầu phản tố, và chỉ có yêu cầu phản tố mới phải nộp tạm ứng án phí.

Vậy như thế nào là yêu cầu phản tố?

Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 không có quy định trực tiếp về khái niệm “yêu cầu phản tố” mà chỉ đưa ra các dấu hiệu của một yêu cầu phản tố, đó là yêu cầu của bị đơn đối với nguyên đơn và thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
  • Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;
  • Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn

Như vậy, khi bị đơn có yêu cầu phản tố thuộc một trong các trường hợp nêu trên, bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí. Nói cách khác, để xác định một yêu cầu của bị đơn có phải là yêu cầu phản tố không, chúng ta có thể dựa trên yếu tố bị đơn có được Tòa án thông báo nộp tạm ứng án phí đối với yêu cầu đó hay không.

2. Ví dụ và bình luận trường hợp bị đơn phải nộp tạm ứng án phí

Tình huống 1:

A và B ký hợp đồng cho thuê kho bãi, theo đó A là bên cho thuê và B là bên thuê. Do có một số mâu thuẫn trong quá trình cho thuê, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng cho thuê, B phải hoàn trả mặt bằng thuê và di dời toàn bộ tài sản của B đang đặt trên mặt bằng thuê trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên khi chưa hết thời hạn này, A đã tự ý di dời tài sản của B ra khỏi mặt bằng, khiến tài sản bị mất và hư hỏng, gây thiệt hại 200 triệu đồng cho B. A khởi kiện yêu cầu B thanh toán tiền thuê còn thiếu là 300 triệu đồng.

Khi nhận được thông báo thụ lý của Tòa án, B đưa ra yêu cầu buộc A phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho B, giá trị thiệt hại là 200 triệu đồng.

Trong trường hợp này, yêu cầu của B là yêu cầu phản tố, nhằm đối trừ nghĩa vụ với yêu cầu của A. Do đó, B sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố này.

Như vậy, trong trường hợp này, dù là bị đơn nhưng vì có yêu cầu phản tố, B vẫn phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Tình huống 2:

C khởi kiện D yêu cầu hoàn trả tiền vay theo hợp đồng vay giữa C và D. Trong khi đó, D cho rằng giữa C và D không có bất kỳ khoản vay nào, D không có nghĩa vụ hoàn trả tiền vay cho C, đồng thời yêu cầu C phải công khai xin lỗi D và bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần vì đã gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của D.

Trong trường hợp này, yêu cầu của D không phải là yêu cầu phản tố nên D không phải nộp tạm ứng án phí đối với yêu cầu này.

Trên đây là ví dụ về trường hợp bị đơn phải hoặc không phải nộp tạm ứng án phí trong tố tụng dân sự.

3. Lời khuyên pháp lý

Thông thường, một khi “bị khởi kiện”, người bị kiện thường chỉ hay quan tâm đến vấn đề mình bị đối tụng yêu cầu những gì, trách nhiệm ra sao mà không quan tâm đến việc mình có những quyền gì trong tố tụng. Đây là thực trạng phổ biến xuất phát từ một trong các nguyên nhân như: tâm lý không đủ bình tĩnh để nhìn nhận toàn diện vấn đề; nhận thức về pháp luật còn chưa đầy đủ.

Do đó, Hãng luật MIBI khuyến nghị trong các trường hợp này, bạn đọc cần bình tĩnh để xem xét lại sự việc, trong trường hợp cần thiết nên mời Luật sư/người có hiểu biết pháp luật đồng hành, tư vấn để quyền và lợi ích hợp pháp của mình được đảm bảo một cách trọn vẹn nhất.

Trong trường hợp còn bất kỳ thắc mắc nào hay cần sự hỗ trợ, tư vấn thêm, quý bạn đọc có thể liên hệ với Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY để được đồng hành hỗ trợ các vấn đề pháp lý.

Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI.

Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:

Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?

Tin nhắn Zalo có được coi là “chứng cứ” trong Tố tụng dân sự?

03 lưu ý khi soạn thảo đơn khiếu nại, tố cáo để không bị “trả về”