Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định cụ thể tại Hiến pháp Việt Nam. Nhưng, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo như thế nào cho đúng với quy định pháp luật thì không phải ai cũng biết rõ. Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ lưu ý Quý bạn đọc cách gửi đơn khiếu nại, tố cáo như thế nào đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Để đơn khiếu nại, tố cáo được tiếp nhận và xử lý, Quý bạn đọc cần lưu ý các nội dung sau đây:

1. Lưu ý về nội dung đơn khiếu nại, tố cáo

  • Đơn phải phản ánh đúng sự thật khách quan, không được cố ý khiếu nại, tố cáo sai sự thật;
  • Đơn không được có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không được có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo; đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị;
  • Không được lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác.

2. Lưu ý về hình thức đơn khiếu nại, tố cáo

  • Đơn phải dùng chữ viết là tiếng Việt. Trường hợp đơn được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng;
  • Đơn được ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ của người viết đơn; có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn;
  • Đơn khiếu nại ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại;
  • Đơn tố cáo ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; cách thức liên hệ với người tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp đơn không rõ họ tên, địa chỉ của người gửi đơn thì phải có nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật và nêu rõ người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh.
  • Đơn phải nguyên vẹn, không được rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được.

3. Lưu ý về việc gửi đơn khiếu nại, tố cáo

  • Đơn phải được gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo.
  • Trường hợp đơn được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết thì đơn đó sẽ không được tiếp nhận và xử lý .

Thực tế trong quá trình tư vấn cho các khách hàng, Hãng luật MIBI nhận thấy có một “lỗi” tương đối điển hình mà khách hàng hay gặp phải. Đó là khách hàng không xác định được chính xác cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với vụ việc của mình nên thường gửi đơn hàng loạt tới các cơ quan trong hệ thống chính trị của địa phương với suy nghĩ “thừa còn hơn thiếu”.

Tuy nhiên, chính hành động này lại là nguyên nhân dẫn đến việc đơn của họ không được xử lý, giải quyết và rất có thể nếu không nhận ra kịp thời, người có đơn có thể bỏ lỡ thời hiệu khiếu nại và có thể không được giải quyết quyền lợi chính đáng của mình. Từ đó, có thể thấy không phải lúc nào “thừa cũng hơn thiếu” mà quan trọng phải là ĐÚNGĐỦ, đặc biệt là đối với thủ tục hành chính.

Trong trường hợp quý bạn đọc có nhu cầu khiếu nại, tố cáo mà còn băn khoăn chưa biết gửi đơn như thế nào, đến cơ quan nào thì hãy liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI tư vấn và đồng hành.

Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Thị Linh Chi – Hãng luật MIBI.

Đọc thêm một số bài viết cùng tác giả dưới đây:

Có phải tất cả các tranh chấp đất đai đều cần hòa giải trước khi khởi kiện?

Tin nhắn Zalo có được coi là “chứng cứ” trong Tố tụng Dân sự?

Bỏ lỡ đánh giá về thời hiệu khởi kiện – Bị đơn “thiệt đơn thiệt kép”