Hợp đồng là căn cứ pháp lý quan trọng để thiết lập và thực hiện các hoạt động khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, từ mua/bán hàng hóa, thuê kho bãi, vận chuyển,… Trong bài viết này, Hãng luật MIBI xin điểm qua một số lưu ý quan trọng khi giao kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế thông dụng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
1. Hợp đồng Dịch vụ (Service Agreement)
Hợp đồng Dịch vụ là một loại hợp đồng đầu vào đối với thương nhân thương mại điện tử (TMĐT), sử dụng khi hợp tác với các nhà thiết kế website, marketing, hợp tác với KOL, KOC, hoặc nhà cung ứng dịch vụ hậu cần.
Khía cạnh pháp lý cần lưu ý:
- Chủ thể có thẩm quyền ký kết; phạm vi dịch vụ, thời gian thực hiện;
- Điều khoản bảo mật thông tin (NDA) để bảo vệ bí mật kinh doanh và dữ liệu kế toán;
- Điều khoản giải quyết tranh chấp: thẩm quyền thuộc Toà án Việt Nam hay trọng tài thương mại.
2. Hợp đồng mua bán hàng hóa (Sales Contract)
Đây là loại hợp đồng sử dụng cho nhà cung cấp của thương nhân TMĐT và trong một số trường hợp là khách hàng đại lý tại một số sàn thương mại đặc thù như Alibaba, Taobao.
Khía cạnh pháp lý cần lưu ý:
- Điều khoản về chất lượng và mô tả sản phẩm; bảo hành; chính sách đổi trả.
- Điều khoản vận chuyển, thời điểm chuyển rủi ro.
- Quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng của từng bên trong trường hợp không tuân thủ các cam kết.
3. Hợp đồng Vận tải (Transportation Contract)
Dịch vụ hậu cần là đặc trưng của các sàn TMĐT. Ngoài các dịch vụ hậu cần của sàn thương mại, thương nhân TMĐT cần sử dụng loại hợp đồng này khi trực tiếp giao dịch với đơn vị vận chuyển thứ ba.
Khía cạnh pháp lý cần lưu ý:
- Điều khoản về thời gian giao hàng và trách nhiệm khi chậm trễ;
- Xử lý hàng hóa bị mất mát hoặc hư hỏng trong quá trình vận chuyển;
- Vấn đề bảo hiểm hàng hóa.
4. Hợp đồng thuê kho bãi (Warehouse Lease Agreement)
Kho bãi là một mắt xích quan trọng trọng chu kỳ hậu cần ngành TMĐT. Cần chú trọng xây dựng Hợp đồng thuê kho bãi với các điều khoản rõ hàng, hợp lý để hạn chế rủi ro và chi phí lưu kho ngoài dự kiến. Hợp đồng thuê kho bãi có thể là hợp đồng mẫu của chủ kho hoặc do các bên tự thoả thuận.
Khía cạnh pháp lý cần lưu ý:
- Quyền sở hữu, quyền cho thuê của bên cho thuê;
- Quy định rõ về diện tích thuê, thời hạn thuê và mục đích sử dụng;
- Cam kết của bên cho thuê về điều kiện kho bãi (nhiệt độ, an ninh, bảo hiểm cháy nổ,…);
- Điều khoản bồi thường nếu kho bãi không đáp ứng yêu cầu hoặc hàng hóa bị tổn thất.
5. Hợp đồng hợp tác đầu tư, liên kết (Joint Venture Contract)
Khi có nhiều đối tác cùng tham gia vào hoạt động TMĐT để đẩy mạnh một mặt hàng hoặc chiến dịch kinh doanh TMĐT tại từng thời điểm, cần thiết sự bắt tay chặt chẽ giữa các nhà kinh doanh TMĐT thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư, liên kết. Khi đó, hợp đồng hợp tác đầu tư là vấn đề tiên quyết cần được thống nhất giữa các bên.
Khía cạnh pháp lý cần lưu ý:
- Mục tiêu, mục đích cơ bản khi tham gia giao dịch của các bên;
- Phạm vi hợp tác;
- Thế mạnh của từng bên thanh gia;
- Phương thức chia sẻ lợi nhuận, rủi ro kinh doanh.
Kết luận: Các hợp đồng kinh tế được xây dựng rõ ràng, đúng luật không chỉ giúp thương nhân TMĐT bảo vệ quyền lợi của mình mà còn tăng uy tín, tính chuyên nghiệp của thương nhân và minh bạch hóa các giao dịch kinh doanh. Bạn đọc có thể tham khảo các biểu mẫu hợp đồng do Hãng luật MIBI soạn thảo và giới thiệu tại nhóm Facebook: CHIA SẺ BIỂU MẪU PHÁP LÝ.
Mời bạn đón xem các nội dung khác trong chuyên đề pháp lý về kinh doanh thương mại điện tử:
- Cá nhân, các thành viên hộ gia đình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nên đăng ký loại hình kinh doanh nào?
- Hướng dẫn đăng ký hộ kinh doanh thương mại điện tử
- Quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh: Những điều bạn cần biết!
Theo dõi Hãng luật MIBI trên Fanpage và Youtube để cập nhật các thông tin pháp luật hữu ích khác.
Bài viết bởi Hãng luật MIBI.