Khi bàn về hợp đồng ủy quyền trong các giao dịch dân sự và kinh doanh – thương mại, có thể hiểu “ủy quyền” là một phương thức quan trọng giúp cá nhân hoặc tổ chức thực hiện công việc thông qua người đại diện mà không cần trực tiếp tham gia. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ hợp đồng ủy quyền và những quy định pháp lý liên quan.

Trong phạm vi bài viết này, Hãng luật MIBI sẽ tập trung phân tích 5 nội dung quan trọng về hợp đồng ủy quyền, nhằm giúp Quý độc giả hiểu và áp dụng một cách tối ưu đối với chế định này.

1. Hợp đồng ủy quyền là gì?

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập tư cách đại diện cho một bên thực hiện công việc thay cho bên còn lại. Trong đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền trả thù lao cho bên được uỷ quyền theo thoả thuận.

Một số văn bản thường gặp có cùng chức năng với Hợp đồng uỷ quyền là Giấy uỷ quyền, Giấy giới thiệu, Quyết định phân công. Song, hợp đồng ủy quyền có sự khác biệt ở: (1) tính song phương (phải có chữ ký cả hai bên, trong một số trường hợp phải công chứng, chứng thực để được thừa nhận tính hiệu lực); (2) thường được dùng cho công việc phức tạp, phạm vi rộng.

2. Thời hạn của Hợp đồng ủy quyền

Các bên được quyền tự thỏa thuận thời hạn của hợp đồng uỷ quyền theo năm hoặc theo phạm vi công việc.

Ví dụ:

  Hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2025 đến ngày 31/12/2027.

hoặc Hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực kể từ ngày ký cho đến ngày bên được uỷ quyền hoàn tất công việc được uỷ quyền theo phạm vi tại Hợp đồng này.

Trường hợp tại hợp đồng không có quy định về thời hạn cụ thể, hoặc thời hạn không thể xác định được, Toà án có thể áp dụng quy định của pháp luật để xác định thời hạn uỷ quyền. Theo đó, thời hạn hợp đồng ủy quyền là 01 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015).

3. Quyền và nghĩa vụ các bên trong Hợp đồng ủy quyền

Bên ủy quyền có quyền và nghĩa vụ đối với bên được ủy quyền như sau:

Quyền lợi:

  • Yêu cầu được thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.
  • Yêu cầu được giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ theo quy định.

Nghĩa vụ:

  • Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc.
  • Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.
  • Thanh toán chi phí hợp lý và trả thù lao để thực hiện công việc được ủy quyền (nếu có thỏa thuận).

Bên được ủy quyền có quyền và nghĩa vụ đối với bên ủy quyền như sau:

Quyền lợi:

  • Yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.
  • Được thanh toán chi phí hợp lý và hưởng thù lao khi thực hiện công việc ủy quyền (nếu có thỏa thuận).

Nghĩa vụ:

  • Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cáo về việc thực hiện công việc đó.
  • Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.
  • Giữ bí mật thông tin trong khi thực hiện việc ủy quyền.
  • Giao lại tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền (nếu có).
  • Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ.

Ngoài ra:

  • Bên được ủy quyền cần báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.
  • Bên được uỷ quyền có thể uỷ quyền lại cho người khác các công việc thuộc phạm vi uỷ quyền nếu được chấp thuận bởi bên uỷ quyền, hoặc trong trường hợp bất khả kháng, trường hợp thực hiện công việc vì lợi ích tốt nhất cho bên uỷ quyền. Hình thức hợp đồng uỷ quyền lại phải phù hợp với hình thức uỷ quyền ban đầu.
4. Trách nhiệm trong trường hợp vượt quá phạm vi uỷ quyền

Trường hợp bên được ủy quyền thực hiện các công việc vượt quá phạm vi hợp đồng ủy quyền, Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể từng trường hợp như sau:

Trường hợp gây thiệt hại mà phải bồi thường

  • Bên được ủy quyền phải tự chịu trách nhiệm với việc thực hiện công việc vượt quá phạm vi ủy quyền khi không thuộc một trong các trường hợp: (i) bên ủy quyền đồng ý; (ii) bên ủy quyền biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; (iii) bên ủy quyền có lỗi dẫn đến việc bên được ủy quyền biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.
  • Bên được ủy quyền phải liên đới bồi thường thiệt hại khi cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho bên ủy quyền.

Trường hợp thực hiện công việc không có uỷ quyền vì lợi ích của bên uỷ quyền

Pháp luật cũng quy định trường hợp bên được uỷ quyền vượt quá phạm vi uỷ quyền trong trường hợp cần thiết vì lợi ích của bên được uỷ quyền. Theo quy định pháp luật dân sự, hành vi này được đặt tên là “Thực hiện công việc không có ủy quyền”. Khi đó, bên uỷ quyền phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người này từ chối (khoản 2 Điều 576 BLDS).

5. Điều khoản chấm dứt uỷ quyền

Bên ủy quyền được phép đơn phương chấm dứt ủy quyền khi:

  • Đã trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại đối với trường hợp ủy quyền có thù lao;
  • Đã báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao.

Lưu ý: Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

Bên được ủy quyền được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng khi:

  • Đã báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao;
  • Đã bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền có thù lao (nếu có).

Cần lưu ý, quan hệ uỷ quyền sẽ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền chết (đối với người uỷ quyền) hoặc chấm dứt tồn tại (đối với pháp nhân uỷ quyền).

Như vậy, hợp đồng ủy quyền là công cụ pháp lý quan trọng giúp cá nhân, tổ chức thực hiện công việc một cách linh hoạt và hiệu quả thông qua cơ chế uỷ quyền, đại diện. Để đảm bảo quyền lợi và tránh rủi ro pháp lý, các bên cần hiểu rõ các quy định về phạm vi ủy quyền, quyền và nghĩa vụ các bên, trách nhiệm khi vượt quá phạm vi ủy quyền và điều kiện chấm dứt hợp đồng.

Việc nắm vững 5 điều quan trọng nêu trên sẽ giúp bạn sử dụng hợp đồng ủy quyền một cách hợp pháp, an toàn và hiệu quả. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc cần tư vấn chuyên sâu hơn, hãy liên hệ Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY để được hỗ trợ kịp thời.

Mời bạn theo dõi FanpageYoutube của chúng tôi để cập nhật các thông tin pháp luật mới nhất.

Bài viết bởi Hãng luật MIBI.