Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Trong một số trường hợp nhất định, ngoài việc lập thành văn bản, di chúc có thể được lập bằng miệng. Vậy, khi nào thì được lập di chúc miệng? Để di chúc miệng là hợp pháp cần những điều kiện gì? Dưới đây, Hãng luật MIBI sẽ giải đáp vấn đề này cho Quý bạn đọc.

1. Khi nào được lập di chúc miệng?

Di chúc miệng là sự bày tỏ ý chí thông qua lời nói của người để lại di chúc nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết theo quy định tại Điều 629 và Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015.

Di chúc miệng chỉ áp dụng trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe doạ và không thể lập di chúc bằng văn bản. Nghĩa là, nếu một người có nguyện vọng để lại di sản cho người khác nhưng sức khỏe không cho phép tự mình viết thành văn bản thì có thể truyền đạt nguyện vọng của mình qua lời nói dưới sự chứng kiến của người làm chứng và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện để di chúc miệng là hợp pháp

Di chúc miệng được coi là hợp pháp cần đáp ứng điều kiện chung về di chúc hợp pháp và điều kiện riêng về tính hợp pháp của di chúc miệng. Cụ thể:

  • Về chủ thể

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 về di chúc hợp pháp, người lập di chúc nói chung và lập di chúc miệng nói riêng cần thoả mãn điều kiện về năng lực hành vi dân sự. Trạng thái của người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

  • Về người làm chứng

Để việc lập di chúc miệng là hợp pháp, người di chúc miệng phải thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Người làm chứng cho việc lập di chúc phải thoả mãn điều kiện quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể: người làm chứng không phải là (1) người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; (2) người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; (3) người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

  • Về thời điểm lập di chúc

Căn cứ vào khoản 1 Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015 quy định điều kiện về thời điểm, di chúc miệng được phép lập khi người để lại di chúc lâm vào hoàn cảnh tính mạng bị đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản.

3. Lưu ý khi lập di chúc miệng

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đủ các điều kiện như mục 2. nêu trên. Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp di chúc miệng dù hợp pháp nhưng vẫn có thể bị huỷ bỏ, cụ thể: theo khoản 2 Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015, sau 03 tháng, kể từ thời điểm lập di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc đó mặc nhiên bị hủy bỏ.

4. Lời khuyên pháp lý

Di chúc miệng chỉ lập trong trường hợp cấp thiết. Bởi vậy, đối với những người có nguyện vọng để lại di chúc, nên lập sớm di chúc bằng văn bản khi tình trạng sức khoẻ đảm bảo. Đối với những người đã lập di chúc miệng, nếu sau thời điểm lập di chúc mà người lập di chúc trở lại được trạng thái minh mẫn và sáng suốt thì nên sớm tiến hành lập di chúc (khác) bằng văn bản. Việc lập di chúc bằng văn bản được thể hiện dưới nhiều dạng, Quý bạn đọc có thể tham khảo thêm về điều kiện có hiệu lực của di chúc bằng văn bản, TẠI ĐÂY.

Trên đây là những giải đáp của Hãng luật MIBI về điều kiện để di chúc miệng là hợp pháp và một số lưu ý khi lập di chúc miệng. Nếu còn bất cứ thắc mắc hoặc cần sự trợ giúp, hãy liên hệ TẠI ĐÂY để được Hãng luật MIBI tư vấn và đồng hành.

Bài viết bởi Trợ lý luật sư Cù Thị Thanh Huyền – Hãng luật MIBI.

Tham khảo một số bài viết cùng tác giả:

Có được đổi họ cho con từ họ mẹ sang họ cha trong trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn và người cha đã chết không?

02 bước thực hiện thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế đối với người đang chấp hành án phạt tù

Tội cố ý gây thương tích – nếu tỷ lệ thương tật dưới 11% mà không có yêu cầu của bị hại thì có bị khởi tố không?