Ngày 29 tháng 7 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai (“Nghị định 101/2024/NĐ-CP”). Nghị định 101/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.

Tại bài viết dưới đây, Hãng luật MIBI trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc một số điểm nổi bật trong Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

1. Những điểm nổi bật trong Nghị định 101/2024/NĐ-CP
1.1. Nguyên tắc, mục đích đo đạc lập bản đồ địa chính

Điều 50 Luật Đất đai 2024 quy định về đo đạc lập bản đồ địa chính. Tuy nhiên, quy định này chỉ mang tính chất khái quát mà vẫn chưa thể hiện chi tiết, cụ thể vấn đề. Khi ban hành Nghị định 101/2024/NĐ-CP, các nhà làm luật đã dành riêng Mục 1 Chương II để hướng dẫn chi tiết về đo đạc lập bản đồ địa chính, trong đó, nguyên tắc và mục đích đo đạc lập bản đồ địa chính được quy định tại Điều 3 như sau:

  • Việc đo đạc lập bản đồ địa chính phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

–    Đảm bảo thống nhất trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000;

–    Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng quản lý đất và ghi nhận tình trạng pháp lý của thửa đất tại thời điểm đo đạc;

–    Ưu tiên ứng dụng công nghệ mới đảm bảo hiệu quả kinh tế, phù hợp với khu vực đo đạc và quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính;

–    Bản đồ địa chính sau khi được phê duyệt phải đưa vào sử dụng cho công tác quản lý đất đai.

  • Bản đồ địa chính được lập để sử dụng cho các mục đích sau:

–    Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;

–    Thống kê, kiểm kê đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất; trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; điều tra, đánh giá đất đai;

–    Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất; xử lý vi phạm pháp luật đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai;

–    Các mục đích quản lý đất đai khác theo quy định của pháp luật.

1.2. Thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận

Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Theo đó, nội dung tại Điều này được sắp xếp, bố cục theo các trường hợp đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất phù hợp với quy định tại Luật Đất đai 2024. Cụ thể, thời gian giải quyết thủ tục như sau:

  • Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu: Không quá 20 ngày làm việc;
  • Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu: Không quá 03 ngày làm việc.
  • Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất: Thời gian thực hiện từ 03 đến 15 ngày làm việc đối với từng trường hợp.
  • Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp: Từ 05 đến 10 ngày làm việc hoặc theo dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với từng trường hợp.
  • Trường hợp tách thửa đất, hợp thửa đất: Không quá 15 ngày làm việc.
  • Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp do bị mất: Không quá 10 ngày làm việc, không tính thời gian niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận đã cấp tại Ủy ban nhân dân cấp xã, thời gian đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
  • Trường hợp đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng trong dự án bất động sản: Không quá 10 ngày làm việc.
  • Trường hợp xác định lại diện tích đất ở: Không quá 20 ngày làm việc.
  • Trường hợp đính chính Giấy chứng nhận đã cấp: Không quá 10 ngày làm việc.
  • Trường hợp thu hồi và hủy Giấy chứng nhận đã cấp: Không quá 25 ngày làm việc.

Ngoài ra, tại khoản 10 Điều này còn quy định “không tính thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý” đối với:

  • Các trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật,
  • Thời gian trưng cầu giám định, thời gian niêm yết công khai, đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng,
  • Thời gian thực hiện thủ tục chia thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chết trước khi trao Giấy chứng nhận”.

Qua đó, có thể thấy quy định này đã làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục.

Phó Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai Phạm Ngô Hiếu giới thiệu những điểm mới của Nghị định số 101/2024/NĐ-CP (Nguồn ảnh: Xây dựng chính sách, pháp luật)

1.3. Các trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất phải cấp mới Giấy chứng nhận

Điều 23 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về các trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:

  • Hợp thửa đất hoặc tách thửa đất;
  • Người thuê, thuê lại quyền sử dụng đất của nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng;
  • Dự án đầu tư có sử dụng đất mà điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trường hợp chủ đầu tư dự án đã được cấp Giấy chứng nhận cho toàn bộ diện tích đất thực hiện dự án mà có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho từng thửa đất theo quy hoạch xây dựng chi tiết đã được phê duyệt;
  • Chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận;
  • Thay đổi toàn bộ các thông tin thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính; thay đổi diện tích đất ở do xác định lại diện tích đất ở theo quy định tại khoản 6 Điều 141 của Luật Đất đai;
  • Các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà trên Giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi hoặc trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Có thể thấy, quy định này đã liệt kê được 06 trường hợp có sự thay đổi lớn về quyền sở hữu hoặc thông tin thửa đất. Sự thay đổi này của Nghị định 101/2024/NĐ-CP đã giúp thu gọn danh mục, góp phần đơn giản hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

2. Đánh giá và lời khuyên pháp lý

Nhìn chung, Nghị định 101/2024/NĐ-CP đã có những điểm mới, điểm nổi bật và thể hiện được nỗ lực của Chính phủ trong việc minh bạch hóa, đơn giản hóa hệ thống quản lý đất đai cũng như tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Nghị định 101/2024/NĐ-CP được ban hành cùng thời điểm với một số các văn bản pháp luật khác trong lĩnh vực đất đai. Đối với các văn bản này, người sử dụng đất và nhà đầu tư cần phải theo dõi, nắm bắt nhanh chóng các quy định để thực hiện đúng trình tự thủ tục cũng như tránh mất thời gian, công sức đáng tiếc.

Bài viết trên đã tổng hợp một số điểm mới trong Nghị định 101/2024/NĐ-CP mà Quý bạn đọc cần nắm rõ. Hãng luật MIBI hy vọng những thông tin này sẽ trở thành hành trang pháp lý hữu ích đối với Quý bạn đọc. Trường hợp cần tư vấn cụ thể hơn, vui lòng liên hệ chúng tôi TẠI ĐÂY.

Bài viết bởi TTS Trương Thị Thu Hiền.

Cập nhật thêm các chính sách, quy định mới cùng Hãng luật MIBI TẠI ĐÂY.